Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có hướng dẫn về việc thực hiện công tác thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển.
Đồng thời, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm thu hút được những học sinh giỏi, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nghiên cứu, xây dựng công cụ hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt là công cụ xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 các trường THPT nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, gia đình học sinh; triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường THPT tư thục.
Trước đó, khi dư luận ồn ào về việc quá tải trong tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, trong báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội và Bộ GD-ĐT, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng hàng năm do sự tăng dân số cơ học nên số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn tăng nhanh, trong khi số trường, lớp xây mới, bổ sung chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân.
TP.Hà Nội và ngành giáo dục cũng đã nỗ lực để đảm bảo tỷ lệ học sinh vào học tại các trường THPT công lập khoảng 60%, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị với Bộ GD-ĐT cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10. Cụ thể là cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường học sẽ tăng lên thành 50 lớp/trường học); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp đối với bậc THPT. Theo quy định hiện nay, số học sinh ở bậc THPT là 45 học sinh/lớp, kiến nghị tăng lên thành 50 học sinh/lớp.
TP.Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép địa phương thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Bộ GD-ĐT cần xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp vì hiện nay các cơ sở này vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động thủ đô, nhất là những ngành nghề mới.
Bình luận (0)