Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng

16/08/2014 09:00 GMT+7

Thường xuyên tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, song năm nay Hà Nội sẽ tổ chức thêm sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị anh hùng dân tộc.

 Một cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh về Hai Bà Trưng của Nhà hát Chèo Hà Nội - Ảnh: Nhà hát chèo HN
Một cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh về Hai Bà Trưng của Nhà hát Chèo Hà Nội - Ảnh: Nhà hát chèo HN

Một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng được tổ chức từ 22 - 24.8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (H.Mê Linh, Hà Nội) gồm: chương trình nghệ thuật 2.000 năm vương nữ đất rồng, hội thảo phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ, lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo TP đọc diễn văn kỷ niệm... Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, chùm sự kiện được thực hiện dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Hà Nội.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng như vậy. “Chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo tôi, như vậy là đủ”, ông Thịnh nói. Vị GS này cũng đặt câu hỏi về con số 2.000 năm ngày sinh được Hà Nội đưa ra.

Lý giải điều này, ông Hoàng Anh Tuấn, lãnh đạo H.Mê Linh, cho biết ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách. Khi H.Mê Linh làm hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Hai Bà Trưng, những con số về ngày sinh ngày mất cũng đã được ghi trong đó. Hồ sơ này sau đó được Hội đồng khoa học họp thẩm định, thống nhất rồi trình Thủ tướng Chính phủ ký. “Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14, mất ngày 8.3.43”, ông Tuấn nói. Ông cũng cho biết Hội đồng khoa học chính là Hội đồng di sản quốc gia.

GS Ngô Đức Thịnh rất bất bình. Theo ông, đấy là cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. “Theo sử sách thì bà ấy có họ, có tên đệm. Nhưng lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ thì nó cũng là thật à. Giời ơi!”, vị GS kêu lên.

Ông Thịnh cũng khẳng định việc Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo “chứ không phải Hội đồng di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật”.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết việc kỷ niệm này rất nên làm. Tuy nhiên, kỷ niệm 2.000 năm không có nghĩa là những sinh nhật khác của Hai Bà Trưng cũng sẽ được làm tiếp. “Tổ chức sinh nhật dịp 2.000 năm rồi thì chắc không phải là sinh nhật 2.010, 2.020 năm lại tiếp tục. Mốc 2.000 rất có ý nghĩa. Rất lâu mới có một cái mốc 2.000 năm nên chúng tôi phối hợp tổ chức. Vì vậy, theo chúng tôi là nên có”, ông Động nói.

Cần phân biệt huyền sử và lịch sử

Theo GS Ngô Đức Thịnh, cần phân biệt truyền thuyết, huyền sử và lịch sử. Khi tôn vinh cũng cần tôn vinh giá trị cốt lõi. “Ta đã có kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng rồi. Bây giờ biến truyền thuyết thành sự thật rồi lại đẻ ra ngày kỷ niệm, ngày sinh nọ kia là điều hão huyền và vô lý. Nó lãng phí tiền”, GS Thịnh nói.

Trinh Nguyễn

>> Kỷ niệm 1.972 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
>> Khai mở lễ hội Đền Hai Bà Trưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.