Hà Nội ‘ưu ái’ nước sạch Sông Đuống, tỉ phú Thái Lan ‘trúng đậm’

04/11/2019 17:52 GMT+7

Hà Nội đang 'ưu ái' khá nhiều chính sách cho Nhà máy nước sạch sông Đuống , và tỉ phú Thái Lan có cơ hội "trúng quả" khi thâu tóm 34% cổ phần công ty này.

Hà Nội đang có một số công ty cấp và kinh doanh nước sạch, trong số này nổi lên 2 “ông lớn” là Công ty CP Nước mặt sông Đuống (viết tắt là Sông Đuống) - Chủ đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống và Công ty CP Nước sạch Vinaconex (sở hữu Nhà máy nước sạch sông Đà, viết tắt là Sông Đà)
Nếu Sông Đà cung cấp nước cho khu dân cư các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần nhiều quận, huyện của TP.Hà Nội… thì Sông Đuống cấp cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân tại 168 xã, phường của 8 quận, huyện khu vực đông bắc và phía nam của Hà Nội). Ngoài ra, còn có các khu đô thị và vùng phụ cận Bắc Ninh, Hưng Yên.
Với tổng mức đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng, Sông Đuống dự kiến sẽ có tổng công suất 1,2 triệu m3/ngày đêm sau năm 2030, gấp 4 lần công suất của Sông Đà. Riêng giai đoạn 1 đã được khánh thành vào ngày 5.9.2019, có công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Sau sự cố nhiễm dầu bẩn của Sông Đà thì Sông Đuống càng nổi lên là một thế lực đáng gờm. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chủ đầu tư của Sông Đuống gồm một số cổ đông, song Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên - nữ doanh nhân nổi tiếng, thường được gọi là Shark Liên, đang sở hữu 51% cổ phần chi phối.
Ngoài ra, nữ tỉ phú lọt tốp 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018, bà Jareeporn Jarukornsakul, thông qua các công ty thành viên của mình đã ‘thâu tóm” 34% cổ phần Sông Đuống.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống tại Gia Lâm, Hà Nội

Ảnh: Aqua One

Hà Nội ưu ái riêng, chấp nhận bù lỗ?

Không chỉ xây dựng nhà máy thần tốc, thâu tóm cổ phần, hiện nay hai nữ doanh nhân đang “trúng quả” khi Sông Đuống nhận được rất nhiều ưu đãi.
Về giá nước sạch, hiện nay theo quy định nhà nước vẫn kiểm soát giá, Bộ Tài chính ban hành khung giá, sau đó UBND tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt mức giá bán căn cứ theo đề xuất của doanh nghiệp, thẩm định giá của các sở, ngành…
Tại Hà Nội, giá nước sinh hoạt vẫn đang áp theo quyết định 38 của UBND thành phố. Theo đó, kể từ năm 2015, giá 5.973 đồng/m3 (đối với 10 m3 đầu tiên); từ trên 10 m3 đến 20 m3 là 7.052 đồng; trên 20 m3 đến 30 m3 là 8.669 đồng và trên 30 m3 là 15.929 đồng. Trong các năm tiếp theo sẽ điều chỉnh tùy theo mức biến động chi phí và phương án của UBND thành phố phê duyệt…
Tất cả các doanh nghiệp cấp nước, áp theo khung giá này để các đơn vị phân phối bán lẻ nước tới người dân. Tuy nhiên, trong 2 “ông lớn” cấp nước, thì giá của Sông Đuống đang gấp đôi Sông Đà nhờ những ưu đãi riêng mà Hà Nội dành cho Sông Đuống.
Cụ thể, tại quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của Sông Đà được UBND TP.Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013 là 4.612,22 đồng/m3; 2014 là 4.658,90 đồng/m3; 2015 là 4.726,54 đồng/m3.
Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013 - 2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến +200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014 - 2016 cụ thể ở các mức từ 3.600 - 4.658,90 - 5.069,76 đồng/m3.
Trong khi đó, với Sông Đuống, dù dự án đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện và cấp nước nhưng Hà Nội khi đó đã ra văn bản mua nước với giá gấp 2 lần so với một số nhà cung cấp nước khác.
Theo văn bản 3310 của UBND TP.Hà Nội ngày 6.7.2017, đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính (tối đa khoảng 18.000 đồng/m3).
"Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện", văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký nêu rõ.

Lãnh đạo Hà Nội dự lễ khánh thành nhà máy Sông Đuống

Ảnh: Đ.Huân

Như vậy, nhìn vào các quyết định này có thể thấy giá nước sạch của Nhà máy nước sạch Sông Đà chưa bằng 1/2 so với giá bán của Nhà máy nước sạch Sông Đuống.
Điều đáng nói, tháng 6.2019, UBND TP.Hà Nội họp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần Viwaco (đây là các đơn vị mua buôn nước của rồi phân phối bán lẻ cho người dân Hà Nội) để xem xét điều kiện bù giá nước của Sông Đuống.
Với giá mua buôn cao, cao hơn cả giá bán lẻ nước sinh hoạt hiện nay, Sông Đuống vận hành tạo áp lực về tài chính vì phải bù giá. Nếu kéo dài, việc bù giá này có thể gây thâm hụt lượng tiền ngân sách của Hà Nội.
Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000 m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỉ đồng. Nếu vận hành 50% công suất, thì Hà Nội bù lỗ khoảng 1,5 tỉ đồng/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.