Hà Nội vượt Bắc Kinh ô nhiễm không khí: 'Chuyện ngày xám' lay động người trẻ

28/02/2020 18:41 GMT+7

Hà Nội vượt mặt Bắc Kinh, trở thành 1 trong 200 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu. Cùng thời điểm này, bộ ảnh Chuyện ngày xám được công bố, góp một tiếng nói về tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu 2019 do Tổ chức IQAir công bố hôm 25.2, các thành phố của Trung Quốc đã giảm trung bình 9% mức PM2.5 vào năm 2019, sau khi giảm 12% vào năm 2018. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã giảm hơn một nửa mức PM2.5 hằng năm. Cũng theo IQAir, năm vừa qua, các đô thị lớn như Jakarta và Hà Nội lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh, trở thành một trong số các thủ đô ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nhất thế giới.
Bộ ảnh Chuyện ngày xám do CHANGE (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) thực hiện, chia sẻ 12 câu chuyện, góc nhìn về hiện trạng ô nhiễm không khí của người dân sống tại TP.HCM và Hà Nội. Không chỉ là người bán hàng rong, những bạn sinh viên, người khuyết tật, bộ ảnh thể hiện quan điểm của những nhà khoa học, nghệ sĩ nỗ lực tìm ra giải pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí.
IQAir là tổ chức tổng hợp dữ liệu chất lượng không khí, thu thập dữ liệu từ các trạm kiểm soát không khí từ chính phủ, phi chính phủ. AirVisual là sản phẩm của IQAir, vận hành với dữ liệu về không khí tại 10.000 thành phố ở hơn 80 quốc gia.

Covid-19 hữu hình, còn ô nhiễm không khí là sát thủ vô hình

Trong khi, Covid-19 đang hoành hành trên thế giới có những triệu chứng tức thời, thì ô nhiễm không khí, cụ thể là bụi mịn, được coi là “sát thủ vô hình” nhưng nó dễ bị cộng đồng bỏ qua. Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính cho những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.

Những bạn trẻ nhóm Xanh Hà Nội trồng cây

Ảnh Ngô Thảo

Trao đổi trong ngày công bố bộ ảnh Chuyện ngày xám, chị Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc CHANGE nói: “Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí cần phải nhận được sự chú ý xứng đáng và chúng tôi cần mọi người, mọi tiếng nói, cùng tham gia với chúng tôi. Ô nhiễm không khí gây ra những tác động khủng khiếp lên môi trường và sức khoẻ con người.
Tôi thấy thật đáng lo khi chứng kiến chất lượng không khí ở Hà Nội và TP. HCM ngày càng tệ trong những năm trở lại đây. Và trẻ em sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi rất phản đối lập luận "đây là cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế". Tất cả chúng tôi đều chung quan điểm là không có tăng trưởng nào có thể đền bù được cho sức khỏe của người dân mình, nhất là của con em mình, và do đó chúng tôi cùng nhau xây dựng các dự án có thể góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề này”.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện là Phó chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nói: “Tôi theo đuổi lĩnh vực này vì nhận thấy ô nhiễm không khí không chừa một ai, tác động của nó nghiêm trọng hơn những vấn đề khác rất nhiều. Nhưng vì không làm, không ăn, không ngủ, không thấm, không hiểu về nó thành ra ít ai chú trọng. Mỗi ngày, một người chỉ cần uống khoảng 2 lít nước, ăn tầm 2 kg thức ăn, nhưng lượng không khí được đưa vào cơ thể lại rơi vào tận 50 - 60 kg. Người ta có thể nhịn ăn cả tháng, nhịn uống nước vài ngày, nhưng chẳng ai nhịn thở được 5 phút. Thế mà nhiều năm trước chẳng nhiều người quan tâm...

Trẻ em tham gia trồng cây xanh

Ảnh: Ngô Thảo

Để giảm ô nhiễm không khí, tất cả chúng ta, bao gồm: mỗi cá nhân cho đến từng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cần sự đồng lòng và cố gắng quyết liệt để thay đổi, trong luật lệ, chính sách, quy hoạch của chính quyền cho đến thay đổi nhận thức và thói quen của người dân. Còn những người như tôi, tất nhiên tôi vẫn sẽ không ngừng làm việc từng ngày”, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn nói.

Người trẻ nhắc nhau cùng hành động vì không khí sạch

“Bộ ảnh Chuyện ngày xám nhắc nhở chúng tôi, đừng quên mỗi hành động của mình làm hôm nay ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Đạp xe nhiều hơn, đi bộ nhiều hơn, trồng vài cây nhỏ trong nhà cũng là thói quen tích cực”, Nguyễn Như Ý, 18 tuổi, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói.
TS.BS Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe môi trường, khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM chia sẻ giải pháp để đẩy lùi bức tranh xám vì ô nhiễm không khí: Mỗi người chúng ta cần có một lối sống thân thiện với môi trường hơn. Chẳng cần nói đâu xa, với những khoảng cách gần, ta có thể đi bộ thay vì sử dụng xe máy để giảm phát khí thải, hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng và trồng thêm nhiều cây xanh. Chỉ cần mỗi người thay đổi một ít, dần có ý thức hơn thì cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn”.

TS.BS Trần Ngọc Đăng

Ảnh: Chuyện ngày xám

Chị Thanh Tú

Ảnh: Chuyện ngày xám

Anh Nguyễn Hoàng Nam, người sáng lập và đồng hành cùng nhóm Xanh Hà Nội, chia sẻ anh và các bạn theo đuổi “tư duy cây xanh”, kiến tạo không gian xanh để góp phần đẩy lùi ô nhiễm không khí: “Chúng mình trồng cây ăn quả ở ngoài đất công. Sau này khi cây có quả, bọn mình đi thăm sẽ treo lên cái biển 'Cây trái là phúc lộc của trời đất. Nếu đồng bào đói, xin hãy hái quả chín về ăn'. Vì một tương lai mọi người tin tưởng và tương trợ nhau hơn”.
Chị Nguyễn Thanh Tú, cô gái ở Hà Nội, thành viên dự án Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng (Arts Build Communities - ABC), những người làm nên dự án tranh tường cộng đồng tại Khu tập thể ngách 33 ngõ 69B phố Hoàng Văn Thái, chia sẻ chị nhận ra những điều ý nghĩa khi cùng làm nên dự án này. Đó là tinh thần và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong khu vực được nâng cao. Mọi người đều có sự gắn bó với không gian chung hơn rất nhiều và tự chủ động vẽ thêm tranh, còn cùng nhau lên kế hoạch trồng thêm cây xanh... để cải thiện chất lượng không khí, môi trường và cảnh quan nơi mình ở nữa.

Rapper Đinh Tiến Đạt

Ảnh: Ng.Thảo

Còn rapper Đinh Tiến Đạt, nhân vật trong bộ ảnh Chuyện ngày xám, cho rằng để đẩy lùi bức tranh xám, để không còn ô nhiễm không khí, mỗi người cần quan tâm hơn tới môi trường sống xung quanh và thay đổi thói quen sống lành mạnh, thân thiện với môi trường chính là bảo vê chính bản thân mình. “Riêng những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng thì cần cùng nhau lên tiếng để mọi người có cái nhìn tích cực hơn vì một cuộc sống và tương lai được yên lành, khỏe mạnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.