Theo Phòng GD-ĐT Q.Bắc Từ Liêm, do đặc thù là quận mới được tách nên ngân sách không nhiều. Để phổ cập bơi cho học sinh, Phòng đã xây dựng đề án trong đó kinh phí dựa chủ yếu vào xã hội hóa, phối hợp với các doanh nghiệp để tận dụng bể bơi tại các khu chung cư trên địa bàn. “Học sinh đến các bể bơi này học bơi nếu có giấy giới thiệu của trường đều được giảm 50% học phí. Ví dụ, học phí mỗi khóa học tại bể bơi bốn mùa là 1.200.000 đồng/học sinh thì sẽ giảm còn 600.000 đồng/học sinh”, đại diện Phòng GD-ĐT Q.Bắc Từ Liêm cho biết. Để hỗ trợ học sinh trong việc đi lại, Phòng Giáo dục và UBND quận kêu gọi sự giúp đỡ của các đơn vị quân đội và tận dụng các xe đưa đón HS của các trường ngoài công lập. Hơn 4.000 học sinh đã được phổ cập bơi trong năm học 2016 - 2017.
Tại H.Mỹ Đức, bên cạnh công tác tổ chức phổ cập bơi của ngành, một giáo viên đã tự mua bể bơi thông minh về dạy cho học sinh của 2 xã trong huyện. Thời gian qua, bể bơi thông minh này đã giúp 300 học sinh biết bơi. Còn tại TX.Sơn Tây, mỗi năm, ngành giáo dục phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh và một nửa trong số này được học bơi miễn phí.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, 3 quận thực hiện phổ cập bơi rất tốt là Cầu Giấy, Thanh Trì và Thanh Xuân. Trong đó, tại Q.Cầu Giấy, học sinh được phổ cập bơi miễn phí. Không những thế, với những trường mới thành lập, một trong hai tiêu chí bắt buộc là phải có bể bơi. Còn tại H.Thanh trì, hiện có 15 bể bơi được xây dựng tại 8 trường tiểu học và 7 trường THCS.
tin liên quan
Huy động vốn mở chương trình phổ cập bơi lội cho học sinhTôi đang có ý tưởng huy động vốn từ cộng đồng để tiến hành chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh ở Việt Nam.
Nơi thiếu tiền, nơi thiếu mặt bằng
Chương trình phổ cập bơi của Hà Nội được thực hiện từ năm 2016, hiện các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. H.Mỹ Đức là nơi có nhiều ao, hồ, lại nằm giáp sông Đáy. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Mỹ Đức, trên địa bàn huyện vẫn đang “trắng” bể bơi trong và ngoài trường học. HS phải sang H.Ứng Hòa học nhờ.
Tất cả các trường học tại H.Phú Xuyên đều chưa có bể bơi, kể cả bể bơi thông minh và bể bơi cố định. Theo Phòng GD-ĐT H.Phú Xuyên, UBND huyện không thể đầu tư cho các trường. “Huyện từng có kế hoạch đầu tư bể bơi cho Trường tiểu học Minh Tân nhưng do quá khó khăn về kinh phí nên đến giờ không thực hiện được. Hiện huyện vẫn thiếu phòng học, HS vẫn phải học tại các phòng học tạm”, đại diện Phòng GD-ĐT H.Phú Xuyên cho hay.
Các quận, huyện thực hiện công tác phổ cập bơi hiệu quả cũng gặp khó khăn về kinh phí duy trì các bể bơi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Các huyện ngoại thành không chủ động được kế hoạch dạy bơi cho HS vì phụ thuộc vào lịch hoạt động của bể bơi tại các trung tâm thể dục thể thao.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác phổ cập bơi cho HS là cơ sở vật chất. Trên thực tế, trường có diện tích để xây bể bơi thì thiếu kinh phí, trường có khả năng huy động được nguồn vốn lại không có mặt bằng để triển khai. Các địa phương cũng đang gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên dạy bơi. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiến nghị UBND TP đầu tư kinh phí và có chính sách hợp lý cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn bơi. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã cần có kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc xây dựng bể bơi mini hoặc lắp đặt bể bơi thông minh trong các trường học trong địa bàn.
Bình luận (0)