UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản giao các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn.
Theo đó, thành phố giao Sở GTVT phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các công đoạn theo quy trình về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Các TTĐK có trách nhiệm bố trí đầy đủ đăng kiểm viên để thực hiện các công đoạn trong dây chuyền kiểm định. "Thực hiện các giải pháp, biện pháp để kịp thời khắc phục những thiếu sót, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới", văn bản nêu rõ.
Tài xế Hà Nội ‘thấy may mắn khi không đăng kiểm trước tết’
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông, bố trí đường xe ra, vào hợp lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người và phương tiện khi đến kiểm định xe; phối hợp với chính quyền địa phương có phương án dự phòng bãi đỗ xe khi lượng xe đến kiểm định tăng đột biến.
Khi xảy phương tiện đến đăng kiểm tăng đột biến, Sở GTVT Hà Nội phải báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam để tăng công suất, bố trí cán bộ làm thêm giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kiểm định xe.
Tăng cường tuyên truyền đến chủ xe, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định để giảm thời gian, không phải kiểm định nhiều lần như: thực hiện nghiêm các quy định về đăng kiểm phương tiện; chủ động kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện trước khi đi kiểm định; tra cứu thông tin phạt nguội qua phần mềm cảnh báo, không tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành của xe...
Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị để thông tin về lịch làm việc của các TTĐK trên địa bàn, đồng thời có phương án thông tin về số lượng xe chờ đăng kiểm tại các trung tâm để các tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn.
Thành phố cũng giao các địa phương phối hợp với Sở GTVT, công an thành phố và các TTĐK tổ chức phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực đăng kiểm phương tiện; rà soát, bố trí các bãi đỗ xe tạm thời để tổ chức sắp xếp phương tiện chờ vào kiểm định nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, cơ quan công an đã phát hiện 11 TTĐK ở Hà Nội mắc sai phạm và khởi tố 10 vụ án, 86 bị can để làm rõ tội "nhận hối lộ". Các bị can là những giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các TTĐK.
Cơ quan công an cáo buộc, với tùy từng lỗi như: hệ thống phanh, tiêu chuẩn khí thải, đèn, trọng tải… chủ xe sẽ được bỏ qua khi "bôi trơn" từ 100.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Ước tính 11 TTĐK đã hưởng lợi bất chính hơn 20 tỉ đồng.
Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX trên địa bàn.
Các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định sát hạch cấp GPLX, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử và kỹ năng nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình sát hạch.
Sở GTVT có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của các TTĐK xe cơ giới, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo đúng quy định; đối với những nội dung vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất và tham mưu cho UBND TP chỉ đạo, giải quyết theo quy định.
Bình luận (0)