'Hạ sát' rừng phòng hộ

29/03/2018 08:09 GMT+7

Rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu (H.Đông Giang, Quảng Nam) bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá.

Điều đáng nói, diện tích rừng bị tàn phá là rất lớn, trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có một biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.
Đại công xưởng giữa rừng già
Tại một chòi nhỏ nằm bên đường liên xã nối xã Jơ Ngây và xã Za Hung (H.Đông Giang), các phách gỗ lớn được lâm tặc đưa về tập kết. Men theo vệt kéo gỗ còn in hằn trên đất luồn sâu vào cánh rừng già, chúng tôi phát hiện nhiều phách gỗ được lâm tặc vận chuyển ra để ngay hai bên bờ một con suối nhỏ. Dấu vết của những lần vận chuyển gỗ còn rất mới.
Sau chừng hơn 2 giờ đồng hồ len lỏi, thì một “đại công xưởng” gỗ giữa rừng hiện ra trước mắt chúng tôi. Hàng chục gốc cây cổ thụ bị xẻ lấy gỗ, chỉ còn trơ gốc, bìa gỗ và mùn cưa, nhánh cây. Phần lớn gỗ đã được chuyển đi, nhưng vẫn còn ngổn ngang những phách gỗ. Bên cạnh đó, nhiều thân cây 2 người ôm không hết còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi với đường kính từ 1,2 - 1,5 m, dài từ 8 - 10 m, có cây dài gần 20 m. Ước tính lượng gỗ bị triệt phá gần 100 m3. Căn cứ theo dấu vết tại hiện trường, đây là một vụ phá rừng quy mô lớn, bài bản.
Tiếp đó, men theo vết trâu kéo ngược lên đỉnh khoảng 500 m, chúng tôi tiếp tục chứng kiến nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, nhiều phách gỗ bị xẻ thịt nằm ngổn ngang với vết cắt có cả mới lẫn cũ.
Cơ quan chức năng ở đâu ?
Theo phản ánh của một số người dân xã Jơ Ngây, tình trạng khai thác gỗ ở địa phương đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý rốt ráo, dù trước đó, người dân đã từng phản ánh tới cơ quan chức năng.
Trả lời Thanh Niên, ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND H.Đông Giang, thừa nhận có tình trạng phá rừng trên địa bàn và đã chỉ đạo công an và kiểm lâm vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý. “Chúng tôi không che giấu, bao che cho một ai. Cơ quan nào, bộ phận nào để sai sót trong công tác, quản lý bảo vệ rừng thì địa phương sẽ xử lý đến cùng”, ông Hươm nói.
Theo ông Hươm, những khu vực rừng bị tàn phá trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Kôn (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam). Những gì xảy ra cho thấy sự buông lỏng, hời hợt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trách nhiệm lớn thuộc về đơn vị này. “Việc quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Kôn có vấn đề. Không lẽ nào rừng bị tàn phá mà anh không biết được, đến khi nghe dân tố giác thì mới vỡ lẽ ra?”, ông Hươm nói.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Minh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, cho hay do người dân gần đó sửa nhà, làm nhà nên vào rừng lấy gỗ, lợi dụng việc này lâm tặc đã khai thác để trao đổi mua bán. Về công tác quản lý thì hằng tháng họp giao ban và giao trách nhiệm quản lý cho các trạm phối hợp với các nhóm hộ. Theo ông Minh, sắp tới đơn vị sẽ không giao cho nhóm hộ nữa mà sẽ họp lại và giao cho cộng đồng để xây dựng tổ bảo vệ rừng, sau đó xây dựng hương ước bảo vệ rừng theo quy định của nhà nước, ai phá rừng thì sẽ xử lý nghiêm. “Hiện nay vấn đề bảo vệ rừng đã được giao cho nhóm hộ giữ rừng, dân hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng, vì thế các hộ phải đi tuần tra và báo lại cho kiểm lâm. Việc rừng phòng hộ bị tàn phá là do sơ suất. Mặt khác, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng rất khó quản lý nên lâm tặc lợi dụng phá rừng”, ông Minh nói.
Rừng bị phá là do dân không phản ánh ?
Khi PV đặt câu hỏi: “Tại sao tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng đến bây giờ địa phương và các cơ quan chức năng mới nắm được vụ việc?”, thì ông Hươm cho rằng: do lâu nay người dân không thông tin kịp thời. Tại một số cuộc họp, người dân cứ phản ánh chung chung mà không tố giác cụ thể nên gây khó khăn... Tuy nhiên, rất nhiều người dân khu vực bức xúc kể với Thanh Niên họ đã nhiều lần phản ánh, cảnh báo trong các cuộc họp, gặp mặt cử tri... nhưng cuối cùng tất cả rơi vào im lặng, còn rừng thì tiếp tục bị tàn phá!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.