Chỉ ngày 1 đến trưa 2.9, tất cả khách sạn, nhà nghỉ ở TP.Móng Cái và biển Trà Cổ đều kín phòng. Ước tính, TP.Móng Cái đón khoảng 150.000 lượt khách dịp nghỉ lễ này, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Tuyến cao tốc đã đưa Móng Cái vượt vịnh Hạ Long với lượng du khách dịp lễ cao gấp hơn 2,5 lần (Hạ Long đón gần 58.000 du khách trong 4 ngày lễ).
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là mảnh ghép cuối cùng của trục cao tốc đường bộ kết nối thông suốt từ Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, kết hợp cùng sân bay Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long mở lối cho du lịch tỉnh Quảng Ninh “cất cánh”. Ngay khi hệ thống hạ tầng giao thông không - thủy - bộ của Quảng Ninh được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, không chỉ không gian du lịch, sản phẩm du lịch được mở rộng để tăng trưởng mạnh mẽ, mà nhiều ngành kinh tế của Quảng Ninh cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn để phát triển.
Cầu vượt biển Vân Tiên trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái |
N.h |
Cũng nhờ đó, các chỉ tiêu của du lịch đã được cải thiện rõ rệt. Từ lượng khách, tổng thu cho tới số ngày lưu trú của khách đều tăng dần đều. Chỉ trong 8 tháng năm 2018, Quảng Ninh đón 9,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 77% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 16.000 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, đạt 73% kế hoạch năm. Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 14 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2018, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 29.487 tỉ đồng.
Mới đây, 2 sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng được Cục Hàng không VN đề xuất nghiên cứu chuyển đổi từ mục đích quân sự thành sân bay lưỡng dụng. Đồng thời, đề xuất đến năm 2030 sân bay Cát Bi (Hải Phòng) điều chỉnh công suất từ 8 lên 13 triệu hành khách mỗi năm, sân bay Chu Lai từ 5 lên 10 triệu khách.
Là doanh nghiệp tham gia đầu tư hầu hết công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, đánh giá không phải đến khi tuyến cao tốc Móng Cái đi vào hoạt động mới chứng minh hiệu quả to lớn của hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ đối với kinh tế của một địa phương. Thực tế, trong đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy du lịch và kinh tế thì đầu tư cho sân bay ít tốn kém hơn, nhưng lại đem lại hiệu quả cao hơn. Trung bình, tổng chi phí đầu tư cho một sân bay tốn khoảng 2.000 - 3.000 tỉ đồng. Với mức chi phí như hiện nay, số tiền này chỉ đủ xây dựng 10 km đường cao tốc ở miền núi. Trong khi đó, xét về hiệu quả đầu tư và khai thác thì sân bay rõ ràng đỡ tốn thời gian, chi phí hơn, nhưng đem lại hiệu quả cao hơn.
“Hiện nay, VN mới có vỏn vẹn hơn 20 sân bay trên cả nước, con số quá khiêm tốn so với gần 20.000 sân bay của Mỹ, 2.700 sân bay của Brazil, hơn 1.200 của Nga, gần 700 sân bay của Indonesia hay 84 sân bay của Nhật Bản… Do vậy, việc ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay cho các điểm đến tiềm năng là giải pháp cần thiết, để tạo điều kiện cho du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung phát triển. Tuy nhiên, việc bổ sung sân bay ở điểm đến nào và triển khai ra sao để đạt hiệu quả và phù hợp với đặc thù của từng địa phương đều cần có sự nghiên cứu và cân nhắc kỹ”, ông Đặng Minh Trường nhấn mạnh.
Bình luận (0)