KHU ĐIỀU TRỊ KỸ THUẬT CAO XÂY XONG BỎ KHÔNG
Khu điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện (BV) đa khoa Quảng Nam) có tổng mức đầu tư gần 166 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với quy mô 7 tầng, gồm 8 khoa, cùng các hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống sét, phòng chống mối. Hệ thống trang thiết bị gồm các hệ thống điều hòa, khí y tế trung tâm, thang máy, lọc khuẩn phòng mổ… Dự án triển khai xây dựng vào đầu năm 2019 đến tháng 7.2023 thì hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn phải chờ đấu thầu gói thầu "Mua sắm thiết bị y tế, nội thất phòng mổ, thiết bị văn phòng" với giá trị 144 tỉ đồng.
Ngoài ra, tháng 6.2021, dự án Khoa Gây mê hồi sức - Ngoại tiết niệu - Tiêu hóa - Đông y của BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc) được đưa vào sử dụng với quy mô 5 tầng. Tuy nhiên, đến nay chưa đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nên khi bàn giao đưa vào sử dụng thì khối phòng mổ (7 phòng) không có hệ thống nội thất kháng khuẩn, hệ thống khí y tế trung tâm, hệ thống khí sạch; thiếu thiết bị như đèn mổ, hệ thống cánh tay treo trần cung cấp khí… Đầu năm 2022, HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kinh phí 69 tỉ đồng đầu tư hạng mục nội thất, trang thiết bị phòng mổ tại khoa nói trên, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa thể đấu thầu để mua sắm thiết bị y tế.
Một lãnh đạo BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cho biết đầu tháng 7.2023, BV ký được hợp đồng đầu tư dự án mua sắm thiết bị với một đơn vị. Tuy nhiên, do dự án có yếu tố phức tạp trong vấn đề xác định giá dự toán; cơ chế thực hiện mua sắm chưa được thống nhất của các ngành nên chậm trễ trong khâu triển khai. Ngoài ra, việc thay đổi quá nhanh các văn bản quy định trong quá trình thực hiện đã gây khó khăn trong xác định giá và quy trình thực hiện.
Vị này cũng cho hay phòng mổ mới của dự án đã được xây xong theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng đến nay vẫn chưa có trang thiết bị và hệ thống khí y tế nên chưa biết khi nào được đưa vào vận hành. Nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến gây phiền hà, tốn kém cho người bệnh…
"TẮC" TỪ ĐỒNG BẰNG LÊN MIỀN NÚI
Tương tự, dự án Trung tâm y tế (TTYT) các huyện Phước Sơn (tổng vốn 64 tỉ đồng), Quế Sơn (hơn 59,2 tỉ đồng) và Phòng khám (PK) đa khoa Chà Vàl (xã Chà Vàl, H.Nam Giang) đều do BQL đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu thiết bị y tế.
Bác sĩ Bhnước Ngân (phụ trách PK đa khoa Chà Vàl) cho biết PK đa khoa Chà Vàl được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 11.2021. Công trình quy mô 2 tầng với hàng chục phòng bệnh, tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng (bao gồm gói trang thiết bị), mở ra cơ hội cho người dân 8 xã vùng cao H.Nam Giang và người dân các bản giáp ranh của H.Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại. Tuy nhiên, đến nay PK chỉ có thể tổ chức sơ cấp cứu cơ bản, do trang thiết bị phụ khám chữa bệnh vẫn chưa được mua sắm.
"Cơ sở hạ tầng của PK đã được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ các công năng cần thiết. Nhưng đấy chỉ là phần "vỏ", còn phần "ruột" vẫn đang rỗng. Máy siêu âm, chụp X-quang, phòng phẫu thuật… vẫn chưa được trang bị, vì vậy mọi thứ vẫn bỏ không", bác sĩ Bhnước Ngân nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đinh Hữu Long, Giám đốc TTYT H.Quế Sơn, cho hay về cơ bản TTYT huyện đã được xây dựng xong, nhưng chưa thể đưa vào hoạt động vì còn phải chờ thiết bị y tế. "Giờ chúng tôi muốn đưa cơ sở mới vào hoạt động nhưng không có thiết bị phục vụ cho phòng chụp X-quang và phòng mổ", ông Long nói.
Ông Long cho rằng chuyện chậm đấu thầu thiết bị y tế không thể đổ lỗi cho năng lực của chủ đầu tư được, vì họ phụ trách quá nhiều nên sẽ không đủ con người để triển khai cùng lúc các dự án.
"Việc không có thiết bị y tế để khám chữa bệnh khiến lượng bệnh nhân giảm sút đến 50%. Trong khi đó, trung tâm lại là đơn vị tự chủ tài chính nên ảnh hưởng rất lớn. Điều cần thiết nhất ngay lúc này là phải sớm hoàn thành việc đấu thầu để mua sắm thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân", ông Long nói thêm.
CHẬM DO VƯỚNG MẮC TỪ CƠ CHẾ
Ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc BQL đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc chậm trễ mua sắm trang thiết bị là do nhiều vướng mắc từ cơ chế. Ngoài ra, việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị thẩm định giá từ chối thẩm định mặc dù đã ký hợp đồng, lý do là không tìm được báo giá từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất thiết bị.
"Hiện nay Nghị định 24/2024 của Chính phủ về đấu thầu đã có hiệu lực nên việc đấu thầu thiết bị y tế đã giải quyết được rồi. Ban đang xin báo giá thiết bị, khi có báo giá sẽ tiến hành các thủ tục đấu thầu. Chắc chắn trong năm nay vấn đề mua sắm thiết bị y tế sẽ hoàn thành", ông Sơn nói.
Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay trong thời gian qua, dưới sự tham mưu của Sở, nhiều TTYT và các BV công trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Nhưng có một điều khó khăn là hiện vấn đề đấu thầu thiết bị y tế cho các dự án này còn chậm. Ngoài kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Y tế cũng đôn đốc chủ đầu tư tăng cường tốc độ mua sắm trang thiết bị y tế để sớm đưa các hạ tầng y tế vào hoạt động.
"Nhiều dự án hạ tầng y tế như TTYT H.Phước Sơn, Khu điều trị kỹ thuật cao, PK đa khoa Chà Vàl dù đã hoàn thành nhiều năm nay nhưng chưa có thiết bị y tế nên không thể đưa vào hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân", vị này nói.
Đánh giá nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ dự án
Mới đây, tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã giao nhiệm vụ cho các sở KH-ĐT, Tài chính, Y tế và các ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh tổ chức thẩm định giá trang thiết bị y tế. Đồng thời, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch, có nhiều hãng cung ứng của một mặt hàng cần mua sắm trong đấu thầu theo quy định.
Bình luận (0)