Nhà cách mộ 1 ô ruộng
Trước đây, nghĩa trang xã Thạch Trung (TP.Hà Tĩnh) cách nhà dân ở thôn Hợp Tiến (P.Thạch Linh) khá xa, phù hợp với tiêu chuẩn về khoảng cách mà Bộ Xây dựng quy định. Trải qua thời gian, quỹ đất còn trống của nghĩa trang này hẹp dần vì có thêm nhiều mộ phần mới.
Để có nơi an táng cho người thân, năm nào cũng có một số gia đình, dòng họ ở xã Thạch Trung tự ý lấn chiếm đất, mở rộng khuôn viên về phía thôn thôn Hợp Tiến. Vì thế, diện tích nghĩa trang xã Thạch Trung cứ thế được “đẻ” thêm. Hiện nay, nghĩa trang này áp gần sát nhà dân ở thôn Hợp Tiến, chỉ cách hộ dân gần nhất chừng hơn 100 m.
Nhà đối diện nghĩa trang, bà Đặng Thị Ty (50 tuổi) cho biết, do thôn Hợp Tiến nằm ngay cạnh nghĩa trang xã Thạch Trung nên mỗi lần có người chết chôn cất, gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn phải đóng kín cửa để giảm mùi hương khói xộc thẳng vào nhà.
“Hàng chục năm về trước, bao quanh nghĩa trang này là mấy ô ruộng trồng lúa rồi mới đến thôn chúng tôi nên không ảnh hưởng gì. Càng về sau, người dân xã Thạch Trung càng lấn chiếm đất ruộng nên nghĩa trang cứ nới rộng dần. Nay thì người sống và người chết chỉ còn cách nhau đúng một ô ruộng. Chúng tôi sống cạnh nghĩa trang này sợ hãi đủ thứ, lo ngại nhất là về vấn đề ô nhiễm môi trường”, bà Ty lo lắng.
Ông Nguyễn Công Lĩnh (57 tuổi, hàng xóm của bà Ty) liên tục mấy năm qua phải bỏ công sức để đại diện các hộ dân trong thôn Hợp Tiến có nhà ở gần khu vực nghĩa trang xã Thạch Trung đi đòi lại “công lý”. Mặc dù ông Lĩnh đã nhiều lần yêu cầu chính quyền các cấp vào cuộc ngăn chặn người dân xã Thạch Trung lấn chiếm đất để mở rộng nơi chôn cất người thân, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
“Khó khăn lớn nhất là nghĩa trang và ruộng lúa xung quanh lại thuộc đất của xã Thạch Trung nên UBND P.Thạch Linh không thể xử lý được. Chúng tôi chỉ mong chính quyền xã Thạch Trung quyết liệt hơn, xử lý dứt điểm tình trạng người dân của họ có hành vi lấn chiếm, mở rộng đất nghĩa trang. Nếu như nghĩa trang này đã quá tải thì buộc phải đóng cửa”, ông Lĩnh bức xúc.
Sẽ kiên quyết xử lý?
Theo ông Trương Quang Sơn, Chủ tịch UBND P.Thạch Linh, nhiều năm qua người dân thôn Hợp Tiến đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng nghĩa trang xã Thạch Trung càng ngày bị nới rộng thêm, đặc biệt là việc chôn cất người chết gần với khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường sống.
“Chúng tôi thậm chí đã có các văn bản gửi lên thành phố để yêu cầu xã Thạch Trung chấm dứt tình trạng để người dân xã này chôn cất người chết sát với thôn Hợp Tiến. Tuy vậy, xã này vẫn cứ để tình trạng này xảy ra, khiến công dân của chúng tôi kêu ca”, ông Sơn nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Dy, Chủ tịch UBND xã Thạch Trung, thừa nhận nghĩa trang của xã do nằm ở vị trí tiếp giáp với địa giới hành chính của P.Thạch Thạch Linh, trong khi khu vực này có khu dân cư sinh sống bên cạnh, nên việc chôn cất người chết có phần ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Hiện xã chúng tôi có 2 nghĩa trang tồn tại từ lâu nhưng đều đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Riêng ở khu nghĩa trang giáp với thôn Hợp Tiến thì đúng là có một số dòng họ đã tự ý lấn chiếm rìa đất công bên ngoài khuôn viên nghĩa trang để có diện tích chôn cất người thân của họ sau khi qua đời. Tới đây, chúng tôi sẽ làm hàng rào thép gai bao quanh khuôn viên nghĩa trang đó và sẽ kiên quyết xử lý người dân có hành vi lấn chiếm”, ông Dy khẳng định.
Theo ông Dy, về hướng lâu dài, chính quyền xã sẽ vận động người dân từ bỏ thói quen chôn cất người chết bằng hình thức hung táng truyền thống, thay vào đó sẽ hỏa táng để tiết kiệm diện tích đất nghĩa trang.
Theo Thông tư 01.2021 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, thì khoảng cách an toàn về môi trường của nghĩa trang đối với khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng phải cách công trình nhà ở tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.000 m; khu huyệt mộ nghĩa trang chôn một lần là 500 m và khu huyệt mộ nghĩa trang cát táng là 100 m.
|
Bình luận (0)