Hà Tĩnh: 'Bẫy tử thần' đường ngang dân sinh rình rập người dân

21/05/2021 08:40 GMT+7

Không rào chắn và đèn tín hiệu cảnh báo, tuyến đường sắt dài khoảng 6 km đi qua xã Đức Liên (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang trở thành ẩn họa tai nạn đường sắt , khiến người dân địa phương này lo lắng.

Trâu bò thả rông bị tàu hỏa đâm chết

Theo phản ánh của người dân xã Đức Liên, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua xã này dài khoảng 6 km nhưng có tới 14 đường ngang dân sinh chưa có rào chắn và đèn tín hiệu cảnh báo tự động. Nhiều năm qua, mặc dù chưa có vụ tai nạn thương tâm nào về người xảy ra tại tuyến đường sắt đi qua xã Đức Liên, nhưng đã có rất nhiều vụ tàu hỏa đâm chết trâu bò của người dân.
Nhà nằm gần đường ngang dân sinh, ông Hoàng Nghĩa Thọ (56 tuổi, ngụ thôn Liên Châu, xã Đức Liên) cho biết, suốt mấy chục năm sống ở đây, vợ chồng ông đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn tàu hỏa đâm chết trâu bò thả rông của người dân địa phương.
“Đường ngang dân sinh qua thôn chúng tôi từ trước tới nay chưa có rào chắn nên nguy hiểm vô cùng. Sống ở đây, tôi đã nhiều lần đẩy đuổi đàn trâu bò của người dân tràn lên đường tàu, nên mới hạn chế được các vụ tai nạn. Tuy vậy, mỗi năm vẫn có khoảng vài con trâu bò băng qua đường sắt bị tông chết do lái tàu không hãm phanh kịp. Những vụ tai nạn xảy ra như thế rõ ràng người dân phải chấp nhận thiệt hại, bởi xã đã có quy định cấm thả rông gia súc gần đường sắt”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, tại đường ngang dân sinh này cũng từng xảy ra vụ xe công nông của người dân băng qua đường sắt bị tàu hỏa đâm trúng. May mắn tài xế chỉ bị thương nhẹ, nhưng phương tiện hư hỏng nặng. Ông Thọ cũng rất nhiều lần cảnh báo cho các phương tiện biết được việc sắp có tàu đi qua để không băng qua đường ngang dân sinh.
Ông Nguyễn Tiến Quân (64 tuổi, ngụ thôn Liên Hòa, xã Đức Liên) nói, ông và người dân trong thôn cũng thường xuyên qua lại tại đường ngang dân sinh ở thôn Liên Châu. “Mỗi lần băng qua đường ngang không có rào chắn này, chúng tôi phải cẩn thận nhìn trước, ngó sau vì không biết đoàn tàu sẽ xuất hiện lúc nào. Chúng tôi chỉ mong ngành đường sắt sớm lắp rào chắn hoặc có đèn tín hiệu cảnh báo để người dân yên tâm hơn”, ông Quân chia sẻ.

Đến 2025 xóa bỏ lối đi tự phát?

Trao đổi với phóng viên ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên, cho biết tại các điểm giao cắt với đường sắt đi qua địa bàn xã này, do chưa có rào chắn nên lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đặc biệt, tại đường ngang dân sinh ở thôn Liên Châu trở thành “điểm nóng”, vì mỗi ngày có cả nghìn phương tiện lưu thông qua lại.
UBND xã Đức Liên cũng đã nhiều lần có văn bản gửi Ban An toàn giao thông tỉnh, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị sớm lắp hệ thống cảnh báo, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.
“Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã về khảo sát, thông báo sẽ phối hợp với ngành đường sắt bố trí kinh phí cho địa phương để làm đường gom, hầm chui và hệ thống rào chắn tự động qua các lối đi tự mở. Song đến nay, việc thực hiện vẫn chưa có lộ trình cụ thể, khiến xã và người dân mòn mỏi trông chờ”, ông Hùng nói.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài hơn 70 km, đi qua 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Toàn tuyến có 130 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhưng chỉ có 28 điểm có gác chắn và cảnh báo tự động, còn 102 điểm là đường ngang dân sinh tự phát.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho hay năm 2020, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra, đôn đốc các địa phương có đường sắt đi qua đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang dân sinh tự phát. Nếu đến kỳ hạn này, địa phương nào không xóa bỏ được lối đi tự mở thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm.
“Mặc dù kế hoạch đặt ra như vậy, nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương còn hạn hẹp. Chúng tôi cũng đã có các văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương bố trí kinh phí để triển khai làm đường gom, hầm chui và rào chắn tự động qua các điểm giao cắt bất hợp pháp với đường sắt trước thời hạn mà tỉnh yêu cầu”, ông Tân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.