Tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khoảng 2 tháng nay thời tiết liên tục nắng nóng khiến các hồ, khe, sông, suối bị cạn nước. Tình trạng trên đã khiến nhiều xã vùng cao như Kỳ Tây, Kỳ Trung và Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) xảy ra hạn hán trên diện rộng.
|
Anh Nguyễn Văn Long (43 tuổi, trú tại thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) buồn bã cho biết, từ tháng 5.2019 trở về trước, mỗi tháng 8 sào chè 3 năm tuổi của gia đình anh cho thu hoạch 4 tạ búp tươi. Với giá bán hơn 7.000 đồng/kg, tôi thu về gần 3 triệu đồng. Nhưng gần 2 tháng nay, do nắng nóng kéo dài khiến cây chè của gia đình bị cháy lá, khô cành. Ngoài việc thất thu, gia đình còn mất trắng khoảng 2 sào do cây chè bị chết cháy không thể phục hồi.
|
Ông Võ Sỹ Đàm, Trưởng thôn Đông Xuân cho biết, một số hộ dân trong thôn đang phải bỏ tiền khoan giếng hoặc bơm nước từ khe suối lên tưới để cố gắng cứu cây chè đang có nguy cơ bị chết cháy. Hiện, nhiều diện tích bị chết, không thể hồi phục được. Hiện nay tổng diện tích trồng chè của thôn là 32 ha thì chết cháy mất khoảng hơn 10 ha, chủ yếu là chè 1 năm tuổi.
|
Theo ông Trần Đình Kiên, Cán bộ nông nghiệp xã Kỳ Tây, cây chè là cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực của xã, giúp người dân có nguồn thu ổn định. Toàn xã hiện có khoảng 50 ha chè từ 1 năm đến 5 năm tuổi, trồng tập trung ở 3 thôn Đông Xuân, Tây Xuân và Trung Xuân. Trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã khiến khoảng 27 ha chè bị chết cháy.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân chủ động khoan giếng, lắp hệ thống tưới tiết kiệm và sử dụng rơm rạ để ủ ẩm chống hạn cho cây chè. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, còn hiệu quả nhất vẫn là trông chờ vào trời mưa”, ông Kiên nói.
|
Còn tại xã Kỳ Trung, nơi được xem là vựa chè lớn nhất của huyện Kỳ Anh với trên 100 ha cũng chịu tình cảnh tương tự. Nắng nóng kéo dài đã khiến khoảng hơn 2 ha chè của người dân nơi đây bị chết cháy không thể phục hồi. Số diện tích chè còn lại hầu như phát triển kém, không cho búp.
|
Ông Trần Văn Cương (64 tuổi, trú tại thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung) nói rằng ông gắn bó với cây chè được hơn 20 năm qua nhưng chưa có năm nào xảy ra hạn hán khốc liệt như năm nay. Gia đình ông Cương trồng 18 sào chè thì có khoảng 3 sào bị chết cháy do nắng nóng.
“Trung bình mỗi tháng thu hoạch chè, tôi thu được khoảng 15 triệu đồng. Nhưng suốt 2 tháng nay thì không có thu vì cây chè cứ ra đọt, ra ngọn là lại bị nắng nóng thiêu cháy”, ông Cương thở dài.
|
Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Kỳ Anh, nắng nóng kéo dài đã khiến toàn bộ hơn 400 ha chè trên địa bàn huyện này bị ảnh hưởng. Trong đó, có khoảng hơn 40 ha chè bị cháy khô, không thể phục hồi trở lại. Hiện huyện này đang thống kê thiệt hại để có hỗ trợ cho người dân tái trồng lại cây chè để đảm bảo phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bình luận (0)