Hà Tĩnh mưa 15 giờ hơn 400 mm, nâng mức độ rủi ro lên cấp 2

30/10/2023 17:30 GMT+7

Theo dự báo, từ chiều 30 đến ngày 31.10, ở Hà Tĩnh có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay 30.10, ở khu vực từ phía nam Nghệ An đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. 

Tất tả kê đồ đạc ngày Hà Tĩnh ngập sâu sau cơn mưa lớn

Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 30.10 có nơi trên 140 mm như Hương Thủy (Hà Tĩnh) 404 mm, Quảng Kim (Quảng Bình) 187 mm, Tịnh Thọ (Quảng Ngãi) 148 mm...

Hà Tĩnh mưa 15 giờ hơn 400 mm, nâng mức độ rủi ro lên cấp 2 - Ảnh 1.

Nhiều địa điểm tại Hà Tĩnh mưa rất lớn trong ngày hôm nay

CTV

Dự báo, từ chiều 30 - 31.10, ở Hà Tĩnh có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm; các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa từ 80 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.

Từ chiều 30.10 - 2.11, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 400 mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1; riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi ở cấp 2. 

Theo quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai của Việt Nam, có 4 cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn gồm cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4 (cấp độ rủi ro cao nhất).

Trong đó, rủi ro thiên tai cấp 2 xuất hiện khi lượng mưa trong 24 giờ từ 100 - 200 mm, kéo dài từ trên 2 - 4 ngày ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi; lượng mưa trong 24 giờ từ trên 200 - 500 mm, kéo dài từ 1 - 2 ngày ở khu vực trung du, miền núi; lượng mưa trong 24 giờ trên 500 mm, kéo dài từ 1 - 2 ngày ở khu vực đồng bằng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn; chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Kiểm tra, rà soát, vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.