Tài xế tự đâm vào trạm thu phí
Dự án đầu tư xây dựng QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 16 km, đưa vào khai thác từ tháng 1.2009.
Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty TNHH Một thành viên hạ tầng Sông Đà (Tổng công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư. Trạm thu phí Cầu Rác đặt trên QL1A (thuộc địa phận xã Cẩm Trung, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cách tuyến đường này hơn 30 km, được ngành chức năng cho phép chủ đầu tư sử dụng để tiến hành thu phí hoàn vốn cho công trình này.
Năm 2016, người dân ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản đối việc trạm thu phí đặt không đúng chỗ, khiến họ “cõng phí” mua vé qua trạm dù không đi mét đường BOT nào. Đến ngày 27.4.2017, các phương tiện của người dân có hộ khẩu ở 2 huyện nói trên mới được miễn phí qua trạm.
Từ ngày 21.2.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng thu phí, để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án. Kể từ đó đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng trạm thu phí Cầu Rác vẫn nằm án ngữ trên quốc lộ khiến nhiều người bất bình.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù chủ đầu tư đã lắp đặt biển cảnh báo hạn chế tốc độ nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí Cầu Rác, nhưng có rất ít phương tiện chấp hành khi lưu thông qua đây. Các loại phương tiện vận tải thậm chí còn tự do chạy sang bên làn đường dành cho xe máy, khiến giao thông qua đây rất hỗn loạn.
Tài xế Nguyễn Đức Cường (quê ở Thanh Hóa) là người thường xuyên lái xe tải chở hàng lưu thông qua lại trạm thu phí Cầu Rác, cho biết: “Trạm thu phí này đã dừng hoạt động nhưng vẫn có rất nhiều tài xế nhầm tưởng phải dừng lại mua vé nên hãm phanh giảm tốc đột ngột, gây nguy hiểm cho các phương tiện chạy phía sau. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh như vậy”.
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT khu vực phía Nam (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh), khẳng định việc trạm thu phí Cầu Rác chưa được tháo dỡ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. “Đã có 2 vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế điều khiển xe ô tô không làm chủ tốc độ nên tự đâm vào trạm thu phí, gây hư hỏng phương tiện. Nguy hiểm hơn là tại đây không lắp đặt đèn cảnh báo vào ban đêm”, trung tá Mạnh nói.
Do chờ làm thủ tục chuyển giao
Theo trung tá Mạnh, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã 2 lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho tháo dỡ trạm thu phí này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó chánh Văn phòng Ban Aan toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho hay trong năm 2020, UBND tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị, đôn đốc và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trả lời chưa thể tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác vì còn một số hạng mục của dự án đầu xây dựng QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh chủ đầu tư chưa bàn giao xong.
Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 2 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho hay đến ngày 30.12.2020, Cục Quản lý đường bộ 2 mới tiến hành hoàn tất thủ tục tiếp nhận lại tài sản dự án do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trạm thu phí Cầu Rác đến nay chưa được tháo dỡ do còn phải làm thủ tục chuyển giao tài sản. “Tài sản hình thành từ dự án BOT thuộc sở hữu toàn dân nên cần phải thông qua Bộ Tài chính và Bộ GTVT để ra quyết định chuyển giao về cho nhà nước. Lúc nào có quyết định này thì Bộ GTVT mới đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác”, ông Giang giải thích.
Ông Giang cũng thừa nhận việc trạm thu phí Cầu Rác chưa được tháo dỡ có phần gây khó khăn và nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây.
Bình luận (0)