Hà Tĩnh: Vì sao người dân bị phạt khi giết mổ gia súc tại nhà?

31/12/2022 11:28 GMT+7

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã tăng cường việc kiểm tra, xử lý trong hoạt động giết mổ gia súc. Nhiều trường hợp đã bị xử phạt hành chính vì giết mổ gia súc tại nhà.

Mới đây, vào ngày 29.12, đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp và kiểm soát giết mổ động vật của H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát hiện 3 trường hợp người dân giết mổ gia súc tại nhà là: ông N.T.T (ngụ tại thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng), ông N.Đ.B và ông H.V.T (cùng ngụ tại thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang).

Ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử phạt một người dân giết mổ gia súc tại nhà

TÂN KỲ

Đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Sau khi được tham mưu, UBND H.Kỳ Anh ra quyết định xử phạt mỗi trường hợp 7 triệu đồng. Ngoài việc ra quyết định xử phạt 3 trường hợp nói trên, UBND H.Kỳ Anh cũng yêu cầu chủ tịch UBND các xã trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trước đó, vào sáng ngày 3.12, Công an xã Tân Lộc (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) chủ trì phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kĩ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã phát hiện, bắt quả tang ông N.Q.T (49 tuổi, trú tại thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc) đang có hành vi giết mổ lợn tại nhà riêng nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Công an H.Lộc Hà sau đó ra quyết định xử phạt ông T. với số tiền 7 triệu đồng.

Tiếp tục tăng cường xử phạt

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, tất cả các trường hợp người dân vi phạm bị ngành chức năng xử phạt mới đây là do có hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, được quy định tại khoản 4, điều 20, Nghị định 90 năm 2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

“Ngoài Nghị định 90, cơ quan chức năng còn căn cứ có một số quy định khác trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa ra quyết định xử phạt trong nhiều tình huống người dân tự ý giết mổ gia súc tại nhà. Việc xử phạt là để đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát được đầu ra đầu vào và hạn chế được dịch bệnh lây lan”, ông Hùng nói.

Một hộ dân ở Hà Tĩnh tự ý giết mổ lợn tại nhà bị ngành chức năng phát hiện

TÂN KỲ

Theo ông Hùng, sau khi có quy định về xử phạt hành vi giết mổ gia súc tại nhà, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tăng cường kiểm tra. Thời gian đầu, nhiều trường hợp giết mổ gia súc để kinh doanh phản ứng, đưa ra nhiều lý do khác nhau. Có người biện lý do là giết mổ để chia cho hàng xóm nhưng đây cũng là một hình thức để kinh doanh nên vẫn vi phạm quy định. Hoặc có những trường hợp lấy lý do giết mổ gia súc, gia cầm để phục vụ cho các bữa tiệc như đám hỏi, đám cưới nhưng lại không báo cho lực lượng thú y địa phương để kiểm soát.

“Người dân biện minh rất nhiều lý do, lý trấu nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cần đưa gia súc đến các lò mổ tập trung để đảm bảo quy định. Theo quy định hiện nay thì giá cả giết mổ tại các lò tập trung chỉ giao động từ 30.000 - 35.000 đồng/con gia súc, còn gia cầm thì rẻ hơn. Hầu như các xã ở Hà Tĩnh cũng đã có lò mổ tập trung và việc này giúp người dân không còn bị tra tấn bởi tiếng ồn, ô nhiễm môi trường khi các hộ kinh doanh giết mổ gia súc tại nhà”, ông Hùng giải thích.

Cũng theo ông Hùng, việc xử lý người dân tự ý giết mổ gia súc tại nhà là vô cùng khó khăn, đụng chạm nhưng Hà Tĩnh là một trong số rất ít tỉnh trên cả nước vào cuộc quyết liệt để xử phạt. Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán 2023 cận kề, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành kế hoạch yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giết mổ gia súc nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.