Trong 4 trận sân khách ở mùa giải này HAGL hòa 1, thua 3. Tần suất thủng lưới của thầy trò HLV Lee Tae-hoon khi rời xa “thánh địa” Pleiku rất đáng bàn. Họ nhận 11 bàn thua, trung bình gần 3 bàn mỗi trận và đang "nhớ" Xuân Trường khủng khiếp.
Trước Viettel, HAGL thủng lưới 3 bàn chỉ trong 7 phút. Trên sân CLB Hà Nội, đội bóng phố Núi thua 3 bàn trong 25 phút, trong đó bàn thua thứ nhất và thứ hai chỉ cách nhau 4 phút.
Trước Đà Nẵng, tình hình khá hơn đôi chút. Thủ môn Trần Bửu Ngọc vào lưới nhặt bóng 3 lần trong 47 phút, trung bình gần 15 phút thủng 1 bàn. Nhìn rộng ra, 9 bàn thua trên sân khách của HAGL tại V-League chỉ diễn ra trong khoảng 89 phút.
Cứ gần 10 phút, mành lưới HAGL lại rung lên một lần! Việc nhận nhiều bàn thua liên tiếp trong thời gian ngắn không chỉ phản chiếu hàng thủ yếu ớt, mà còn cho thấy HAGL luôn đứng trước nguy cơ mất kiểm soát lối chơi, điều từng là điểm mạnh nhất của họ.
|
Nguyễn Tuấn Anh cùng các đồng đội luôn nhận liền 3 bàn thua liên tiếp trong 3 trận sân khách nói trên mà không chen được bàn gỡ nào. Mỗi khi thủng lưới, HAGL thường vỡ trận với một loạt sai lầm tiếp nối, để thua những bàn tiếp theo như lẽ tất yếu.
Hàng phòng ngự HAGL khắc phục với trung vệ hay nhất V-League mùa trước là Damir Memovic. Nhưng chỉ mua trung vệ để vá hàng phòng ngự là không đủ. HAGL không phải đội bóng có thể đá rát, lùi sâu che chắn, thậm chí đổ bê tông bảo vệ khung thành.
Hầu hết cầu thủ HAGL hiện tại được đào tạo với phong cách chơi bóng kiểm soát bằng những đường chuyền ở cự ly ngắn và trung bình. HLV Lee Tae-hoon đã cố “gò” HAGL vào phong cách mới, nhưng đổi lại là 2 trận thua liên tiếp sau đợt nghỉ dịch Covid-19. Đội bóng phố Núi phải trở lại bản ngã kiểm soát bóng.
Để nâng cao chất lượng phòng ngự, HAGL không chỉ cần trung vệ giỏi. Họ cần phải kiểm soát, điều tiết thế trận tốt hơn nữa, biết khi nào nên chơi nhanh, chơi chậm, chơi ngắn, chơi dài như Xuân Trường.
|
Kiểm soát thế trận là cách phòng ngự chủ động nhất, thay vì căng mình để đối thủ bắn phá khung thành. Để làm được điều đó, Tuấn Anh chơi ngày một hay nhưng mình anh là không đủ. HAGL cần cả Lương Xuân Trường.
Khi Xuân Trường chấn thương, tiền vệ Triệu Việt Hưng được bố trí đá thay thế nhưng anh không phải mẫu giỏi chuyền bóng, điều tiết. Việt Hưng từng tâm sự chỉ muốn luân chuyển trái bóng thật nhanh khi có bóng trong chân trong khi tranh chấp lại không phải là điểm mạnh của cầu thủ vừa đoạt HCV SEA Games 2019 tại Philippines.
Để điều tiết nhịp độ, tiền vệ cần có độ “tĩnh” trong quan sát và đọc trận đấu tốt. Đó là phẩm chất Việt Hưng thiếu, mà Xuân Trường lại có thừa.
Không có Xuân Trường, Tuấn Anh cô đơn trong nhiệm vụ điều tiết. Kelly Kester chỉ làm nhiệm vụ dọn dẹp phía sau. Trần Minh Vương và Châu Ngọc Quang có xu hướng tịnh tiến bóng trực tiếp lên hàng tiền đạo khiến tuyến giữa từng là điểm mạnh nay lại là điểm yếu của HAGL.
|
Không ai có phẩm chất điều nhịp chuẩn xác như Xuân Trường. Đây là lý do nếu có bàn dẫn trước, HAGL thường đá tốt, nhưng lại dễ gãy đổ khi nhận bàn thua. Trận hòa CLB Sài Gòn là lần duy nhất mùa này, HAGL không thủng lưới thêm khi đã nhận bàn thua.
Xuân Trường trở lại, HLV Lee Tae-hoon sẽ có thêm lựa chọn đáng giá dù chàng trai gốc Tuyên Quang cần thời gian để lấy lại cảm giác bóng hoàn hảo, cần chứng minh sự tiến bộ về sức mạnh và tốc độ từng bị xem là hạn chế cản trở anh tỏa sáng ở nước ngoài.
Người ta kỳ vọng khả năng điều bóng và những đường chuyền “sát” thủ của Xuân Trường giống như cây đũa của người nhạc trưởng mà HAGL còn thiếu. Tuấn Anh đã đơn độc gánh vác điều này. Giờ là lúc anh chờ đối tác cực kỳ ăn ý Xuân Trường để đánh nhịp.
HAGL sẽ rất khác khi Xuân Trường tái xuất, với nhiều phương án bố trí thế trận và tổ chức tấn công hơn, trở nên khó bị bắt bài hơn, chưa kể những quả đá phạt sẽ đáng gờm hơn nhiều. Tiền vệ sinh năm 1995 là cầu thủ đẳng cấp, có thể tạo cơn mưa mát lành khi cánh đồng niềm tin của HAGL bắt đầu khô cạn.
Bình luận (0)