Hai anh em song sinh 8 năm cõng nhau tới trường và 2 chiếc áo đặc biệt

28/10/2020 10:24 GMT+7

'Đi học thôi', Gia Hưng nhanh nhảu. Gia Lâm nhảy khỏi giường, bước ra. Hưng khom người xuống bậc cửa, thoắt một cái, em Gia Lâm đã ôm cổ anh. Hai anh em song sinh líu lo suốt dọc đường tới trường.

Đó là Nguyễn Gia Hưng và Nguyễn Gia Lâm, hai anh em song sinh quê Tây Ninh, đang học lớp 8 một trường THCS tại Q.10, TP.HCM. Song sinh cùng trứng, chào đời chỉ cách nhau mấy chục giây, khuôn mặt giống nhau như hai giọt nước nhưng cuộc đời của hai em là hoàn toàn khác biệt. Gia Hưng mạnh khỏe, Gia Lâm mới sinh đã được chẩn đoán bị chứng Fallot, một dạng phức tạp của tim bẩm sinh. 2 tuổi, em lên bàn mổ lần đầu tiên và sau đó một tháng, em phải phẫu thuật cắt bỏ hết tứ chi để giúp cơ thể được sống.

Anh trai là đôi chân của em

Gia Lâm không còn chân tay, nhưng từ đó, Gia Hưng là đôi tay, đôi chân của em trai. Trong suốt 10 năm, từ 2008 tới 2018, 3 mẹ con em có Viện tim TP.HCM là mái nhà thứ 2. Vì bệnh phức tạp, phải theo dõi thường xuyên, bệnh viện bố trí cho 3 mẹ con một cái giường nhỏ, cả thế giới của 2 anh em gắn chặt với nơi đó.

Gia Lâm viết chữ rất đẹp bằng 2 khuỷu tay...

Ảnh Thúy Hằng

Chị Nguyễn Thị Mãnh, 43 tuổi, mẹ của Gia Lâm đã đi qua những tháng ngày khóc cạn nước mắt vì con tàn tật hay muốn chết khi cả mấy mẹ con không biết tương lai ra sao. Chồng làm nông ở quê, nuôi con gái lớn, gia cảnh khó khăn. Giữa TP.HCM rộng lớn với đứa con tật nguyền, chị cặm cụi bán nước cam, cà phê trên chiếc tủ nhỏ ngay trước phòng bệnh cho những bệnh nhân khác kiếm sống qua ngày.
Không còn đôi tay, đôi chân lành lặn như bao em nhỏ khác, nhưng đổi lại, Gia Lâm có một trái tim rất ấm áp. Dưới sàn bệnh viện, Gia Lâm kẹp cây bút trong hai khuỷu tay nắn nót tập viết hay vẽ tranh. Chẳng bao lâu, em viết chữ rất đẹp, tự cầm muỗng ăn cơm, ly uống nước, tự chủ mọi sinh hoạt và đi lại nhanh thoăn thoắt bằng hai khuỷu gối.

... Hay là dùng máy tính rất nhanh

Ngày 2 em vào học lớp 1, chị Mãnh xin được cho con đi học ở một trường tiểu học cách không quá xa bệnh viện, sáng nào cũng lưng thì cõng Gia Lâm, tay dắt Gia Hưng. Từ khi lớn hơn một chút, Gia Hưng có thể cõng em. Mẹ chỉ cần chở hai anh em tới cổng trường rồi quay về bán hàng tiếp, Gia Hưng tay xách cặp, lưng cõng em trai lên mấy tầng lầu ở trường.
Lúc nào hai anh em cũng được ngồi chung bàn, Hưng mua mì cho em, cõng em tới nhà vệ sinh, ham chơi tới mấy cậu cũng không ra ngoài sân chơi mà để em ngồi một mình trong lớp vì sợ em buồn. Thương hai anh em song sinh thương yêu nhau, học rất khá, thầy cô và các bạn thay phiên nhau đón và cõng Gia Lâm giúp. Năm lớp 5, cậu bé “chim cánh cụt” còn vô địch ở giải thi xếp Lego trong toàn trường.

Anh Hưng là đôi chân, là đôi tay, là bờ vai... của em Lâm

Ảnh Thúy Hằng

Năm 2018, Gia Lâm xuất viện, mấy mẹ con tìm được một gian nhà trọ bé tẹo trong con hẻm ở Q.10 để tiện cho cặp song sinh cõng nhau đi học, còn chị Mãnh có thể bán sữa đậu nành ở công viên Lê Thị Riêng. Trong nhà, đồ có giá trị nhất là một chiếc giường sắt 2 tầng, chị Mãnh khoe nó có giá 2 triệu rưỡi, mua bằng cách trả góp mỗi ngày 10.000 đồng.
“Ngày nào tôi cũng bán 4 nồi, vừa sữa đậu nành, đậu đỏ, sữa gạo lức, sữa bí đỏ. 2 giờ sáng bắt đầu dậy nấu, 6 rưỡi sáng là có mặt ở công viên. Bán tới 2 giờ chiều thì lại quay về chuẩn bị ngâm hạt cho ngày hôm sau”, chị Mãnh kể, khuôn mặt phúc hậu không bao giờ nghe thấy lời than vãn, oán trách số phận. Thi thoảng, chị nấu sữa đậu nành từ thiện, đi phát miễn phí ngay trước cổng Viện tim TP.HCM, trả ơn đời đã cho chị Gia Hưng và Gia Lâm đáng yêu.

Hai chiếc áo đặc biệt

Lần đầu tiên Gia Lâm được xem một trận bóng đá là hồi tiểu học, khi đó U.23 Việt Nam đang có một trận rất hay, từ đó, cậu rất mê sân cỏ và nói với mẹ, với anh “con nhất định phải trở thành cầu thủ”.

Lâm (bìa trái) rất thích bóng đá, cậu bé trong một lần được ra sân cỏ trước đây

Những năm tháng mà 3 mẹ con lấy Viện tim TP.HCM làm nhà, không phải trận bóng nào Gia Lâm cũng được xem. Thương con, người mẹ nuôi của Gia Lâm có lần mời một đội bóng gồm các cầu thủ nhí từ một trung tâm bóng đá cộng đồng vào bệnh viện thăm Gia Lâm và cùng đá bóng ngay trước sân. Gia Lâm, lũn chũn như chú chim cánh cụt trong bộ đồ cầu thủ ra phát trái bóng đầu tiên. Người nhà, các bệnh nhân và bác sĩ ghé lại xem rất đông.
“Em rất thích Quang Hải, xem chú ấy đá bóng em thấy mình khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn rất nhiều”, Gia Lâm nói với chúng tôi. Vậy còn điều gì em muốn nói với anh trai, người suốt những năm tháng qua là đôi chân, cánh tay, là người bạn của em? Gia Lâm, chùng lại 2 giây, mi mắt cụp xuống, giọng khe khẽ “Em thương anh… Rất thương anh”.

Hai chiếc áo đội tuyển quốc gia Việt Nam có chữ ký của các cầu thủ của Lâm, em muốn bán chúng để có tiền mua sách, vở tặng các bạn ở miền Trung

Ngày 26.10 năm ngoái, trước ngày Gia Lâm lên bàn mổ (ca phẫu thuật giúp cắt những phần xương mỏm cụt để con có thể đi lại, vận động) một người anh rất thương em đã tới nhà trọ, tặng cho em hai chiếc áo đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam, trên đó đầy đủ chữ ký của các cầu thủ. Hơn cả 2 chiếc áo, đó là tài sản quý giá nhất mà Gia Lâm từng có ở trên đời. Sau một hồi ngắm nó chán chê, em cất kỹ trong tủ.
Nhưng, mấy ngày hôm nay, báo đài, ti vi nói rất nhiều về bão lũ miền Trung. Ngôi trường Gia Lâm đang học cũng khuyến khích các em nhỏ chia sớt khó khăn với đồng bào nơi đó. Gia Lâm không muốn những tài sản quý giá đó nằm im trong ngăn tủ nữa. Em nói với mẹ nuôi: “Mẹ ơi, con muốn bán hai chiếc áo. Mẹ biết ai muốn mua, mẹ giúp con bán đi. Con sẽ có tiền để mua bút, sách vở cho các bạn học sinh ở miền Trung”. Người mẹ nuôi của Gia Lâm nghe thấy thế thì nước mắt cứ chảy ra, dù miệng đang cười “Mẹ sẽ giúp con”.

Xe đậu nành của chị Mãnh, mỗi ngày chị thức giấc từ 2 giờ sáng để chuẩn bị bán hàng

Ảnh Thúy Hằng

3 mẹ con trên chiếc giường tầng được mua trả góp mỗi tháng 10.000 đồng

Ảnh Thúy Hằng

“Gia Lâm có tiếc mấy chiếc áo đó không, em yêu nó lắm mà?”. Thật thà, cậu bé nhoẻn miệng “Em tiếc. Nhưng mà làm như vậy, em sẽ giúp được nhiều bạn còn khó khăn hơn em rất nhiều lần. Em mong sẽ có nhiều cô chú cùng mua áo để em có thể giúp được nhiều bạn nhất”.
Chiều tháng 10, con hẻm ở quận 10 nắng vàng như mật ong. Chị Mãnh tỉ mẩn với những bao tải đậu nành để chuẩn bị cho một ngày bán hàng mới. Con gái lớn của chị vừa trở về sau khi giúp mẹ bán hết 2 nồi sữa. Trên chiếc bàn nhỏ, hai anh em song sinh Gia Hưng, Gia Lâm cầm bút nắn nót chữ trên trang vở. Không phải là những điều quá lớn lao. Ở nơi này, hạnh phúc được vẽ lên bằng những điều giản dị, trong lành như thế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.