Là một VĐV điền kinh đang tập luyện và thi đấu tại Trung tâm thể thao người khuyết tật Hà Nội, tuy nhiên Trần Phúc Đạt, 30 tuổi rất yêu thích bóng đá. Ngoài bộ môn điền kinh, Trần Phúc Đạt cũng tham gia bộ môn bóng đá nam cùng các đồng đội.
EURO 1996 không chỉ là EURO đầu tiên, đó còn là giải bóng đá quốc tế đầu tiên Trần Phúc Đạt theo dõi từ đầu tới cuối. Những kỷ niệm tuổi thơ về thời gian đó vẫn còn sống mãi trong tâm trí Đạt.
“Nhà tôi có một cái tivi đời cũ, phiên âm ra là Net Tuyn. To đùng. Xem nào có nét, mịn như bây giờ. Nhưng ngày đó tôi và chị gái xem bóng đá say mê. Tôi vẫn còn nhớ đêm chung kết, Séc chạm trán Đức. Séc đá cũng rất hay, nhưng Đức nhờ bàn thắng vàng của cầu thủ Oliver Bierhoff đã rinh được cúp vàng. Cảm giác sung sướng vỡ òa”, Đạt hào hứng.
|
EURO 1996 lần đầu tiên áp dụng luật bàn thắng vàng chưa phải là EURO lịch sử của Trần Phúc Đạt. “Chung kết EURO 2000 mới là không quên được. Hồi đó nhé, tôi ủng hộ 3 đội Pháp, Ý, Hà Lan, tôi cũng dự đoán đội vô địch trên báo nhé, tôi chọn Ý. Tối chung kết, mấy bố con tôi mua bia, lạc luộc về ngồi uống rồi xem, tưởng trăm phần trăm là Ý có cúp vàng rồi, thế mà phút cuối, người Pháp “cướp” mất cúp”, Trần Phúc Đạt tặc lưỡi.
Diễn biến trận đấu đó Đạt vẫn còn nhớ y nguyên. Anh diễn tả cho chúng tôi cách cầu thủ Wiltord của Pháp gỡ hòa với Ý 1-1 ra sao, rồi bàn thắng vàng Trezeguet của Pháp mang về cúp vàng cho người Pháp trước sự sững sờ của nửa thế giới ra sao nữa, sống động, cảm xúc, y như trận đấu mới chỉ diễn ra đêm qua thôi.
tin liên quan
Những mùa EURO vỉa hè của cựu tuyển thủ Thạch Bảo KhanhCựu tuyển thủ Thạch Bảo Khanh lớn lên trên con phố Hàng Cót, chàng trai sinh năm 1979 vẫn còn nguyên vẹn những ký ức về EURO tuổi thơ trong phố cổ Hà Nội bình yên, thưa vắng.
EURO năm nay, Đạt bỏ phiếu cho Đức hoặc Pháp sẽ lên ngôi. Trái tim của anh nói với anh rằng người Pháp xứng đáng, nhưng lý trí, Đạt thấy Đức có nhiều yếu tố để trở thành người có cúp vàng danh giá. Tuy nhiên, bóng đá vốn bất ngờ như chính cuộc sống này, những đối thủ mạnh chưa chắc đã là người chiến thắng, Đạt xem bóng đá và mừng, vui, khóc cho mỗi chiến thắng, thất bại của người trong cuộc.
Thể thao, bấy lâu nay là niềm hạnh phúc với anh và là một động lực tiếp thêm cho anh niềm tin, lý trí để vượt qua những thử thách tưởng giản đơn của cuộc sống đời thường.
|
“Tôi chỉ xem được các trận 20 giờ, vì các trận khuya 23 giờ hay 2 giờ sáng thì không thức được, sớm hôm sau tôi còn phải đi tập luyện để thi đấu. EURO là tình yêu, dù xem sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn dành trọn tình yêu cho nó”, thần tượng của nhiều VĐV tại trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo bộc bạch.
Trần Phúc Đạt sau 12 năm đến với thể thao người khuyết tật anh có được 16 HCV, 9 HCB, 3 HCĐ ở các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc.
1 lần anh được tham dự giải thể thao người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương ở Malaysia 2006 và đứng ở vị trí thứ 8 trên 16 nước ở nội dung 100 m. Anh từng tham dự Paragames 4 ở Thái Lan.
Bình luận (0)