Thông tin từ thanh tra Sở Y tế Hà Nội xác nhận, sự việc trên xảy ra sáng 25.12 tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (bệnh viện tư, có địa chỉ tại 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Hai bệnh nhân khi được gây mê phẫu thuật (trong đó một bệnh nhân là nữ) đã có biểu hiện sốc phản vệ: mệt xỉu, khó thở, trụy mạch… sau khi được tiêm thuốc gây mê. Các bệnh nhân được xử trí
cấp cứu tại chỗ và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, một trong hai bệnh nhân đã tử vong ngay khi được đưa đến Bạch Mai cấp cứu, trường hợp còn lại cũng không qua khỏi sau đó.
Trên website của Bệnh viện Trí Đức có quảng bá: bệnh viện có đội ngũ chuyên môn gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đã và đang công tác tại các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh Viện K, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108... cùng đội ngũ các y tá có kinh nghiệm, ân cần, tận tình và chu đáo.
Thông tin ban đầu cho biết, với ca tai biến sáng nay, bác sĩ thực hiện gây mê cho bệnh nhân công tác tại Bệnh viện 108, được Bệnh viện Trí Đức mời cộng tác. Hiện tại, cơ quan Công an đã vào cuộc làm rõ sự việc.
Trao đổi với PV
Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng xác nhận hiện Công an quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận vụ việc để lập hồ sơ
điều tra làm rõ việc 2 bệnh nhân tử vong.
"Cơ quan pháp y đang tổ chức khám nghiệm và các đơn vị nghiệp vụ phải chờ kết quả pháp y tử thi để phục vụ công tác điều tra", thượng tá Tín cho hay.
Vẫn theo thượng tá Tín, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, Công an quận Hai Bà Trưng đã lập tức có mặt để bảo vệ hiện trường. Hồ sơ bệnh án cùng những vật chứng liên quan đều bị cơ quan công an thu giữ, niêm phong.
Chia sẻ về tai biến sốc phản vệ, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho hay, tại khoa này mỗi năm tiếp nhận khoảng 50 - 60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các BV khác. Con số này tăng nhiều so với 5-10 năm trước. Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt tiền, nhưng quan trọng là phải rất nhanh, thời gian tính bằng giây.
Các trường hợp sốc phản vệ thường gặp do thuốc (đặc biệt lưu ý với thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch). Nguy hiểm của sốc phản vệ gây là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản rất mạnh khiến đường thở bị chít hẹp, bệnh nhân không thở được, gây thiếu ô xy đến các cơ quan, đặc biệt là thiếu ô xy não. Phản ứng này cũng gây dãn mạch làm máu giảm lưu thông, thiếu máu đến các cơ quan, tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ gây mất não, tử vong.
|
Bình luận (0)