Hai bức tranh Covid-19

30/10/2021 07:38 GMT+7

Nhiều nước ở Đông Âu có số ca nhiễm mới lên mức báo động, trong khi các nước châu Á đang xúc tiến mở cửa trở lại .

Dịch ở Đông Âu căng thẳng

Đài CNBC hôm qua trích dẫn số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy gần 3 triệu ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần rồi, tăng 4% so với tuần trước đó. Đáng lưu ý, số ca nhiễm ở châu Âu tăng 18%, đánh dấu đà tăng trong 4 tuần liên tiếp. “Số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu đang gia tăng lần đầu tiên trong 2 tháng, do mức tăng ở châu Âu vượt qua mức giảm ở nhiều khu vực khác. Điều này nhắc nhở rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Moscow, Nga ngày 20.10

AFP

Các quan chức (WHO) chỉ ra những yếu tố dẫn tới đợt bùng phát dịch mới ở châu Âu, trong đó có tỷ lệ tiêm vắc xin còn tương đối thấp ở một số nước Đông Âu, như Ukraine và Nga. Ukraine hôm qua ghi nhận 26.870 ca mắc mới, mức nhiễm/ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch, theo Reuters. Thị trưởng Vitali Klitschko của thủ đô Kiev hôm 28.10 tuyên bố áp dụng các biện pháp hạn chế phòng chống Covid-19 mới, như các trường dạy trực tuyến, hành khách đi xe lửa và xe buýt phải có giấy chứng nhận tiêm vắc xin hoặc âm tính với Covid-19.

Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả đắt hàng tại chợ đen ở Ukraine

Tương tự, thủ đô Moscow của Nga cũng đã đóng cửa các dịch vụ không cần thiết trong 11 ngày, đến ngày 7.11 do diễn biến dịch phức tạp những tuần gần đây. Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, trung tâm thể thaogiải trí, trường học đều đóng cửa. Chỉ có những cửa hàng bán thực phẩm, thuốc và mặt hàng thiết yếu khác được phép hoạt động. Nga hôm qua ghi nhận thêm 1.163 ca Covid-19 tử vong, mức cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch, và 39.849 ca nhiễm mới, theo Reuters.

Chuyển biến tích cực ở châu Á

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 ở châu Á có dấu hiệu hạ nhiệt và một số nước đang chuẩn bị cho việc mở cửa. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc hôm qua công bố kế hoạch thực hiện “sống chung với Covid-19”. Theo đó, từ ngày 1.11, Hàn Quốc sẽ bỏ tất cả quy định hạn chế giờ hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, đồng thời triển khai sử dụng hộ chiếu vắc xin đối với những nơi có nguy cơ cao, theo Reuters. Đây là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch 3 giai đoạn mà giới chức Hàn Quốc đặt ra để từng bước khôi phục đời sống thường nhật. Tương tự, Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ quy định hạn chế tại các sự kiện lớn như trận đấu thể thao hay buổi hòa nhạc, từ tháng tới, khi số ca nhiễm Covid-19 giảm đều đặn, theo Kyodo News.

Diễn tập làm thủ tục đón du khách tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, Thái Lan

Reuters

Tại Thái Lan, tờ Bangkok Post hôm qua đưa tin giới chức đã làm rõ các quy định quản lý du khách quốc tế khi nước này bắt đầu mở cửa từ tháng tới. Theo đó, du khách tiêm vắc xin đầy đủ từ 45 quốc gia theo danh sách của Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ được miễn cách ly. Du khách tiêm vắc xin đầy đủ đến từ những quốc gia không thuộc danh sách nói trên sẽ trải qua cách ly 7 ngày và được tham quan một số khu vực trong thời gian đó. Du khách chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đầy đủ sẽ ở tại khách sạn cách ly 10 đêm. Hôm 27.10, nước này đã tổ chức diễn tập về phân loại khách tại sân bay để mở cửa du lịch quốc tế.

Covid-19 cướp đi nhiều đầu bếp nổi tiếng của ẩm thực đường phố Bangkok

Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho hay nước này sẽ đón du khách đã tiêm vắc xin vào cuối tháng 11, bắt đầu ở TP.Sihanoukville, Koh Rong, khu Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong và sau đó ở Siem Reap vào tháng 1.2022. Ngoài ra, Thứ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Ounthuang Khaophan ngày 27.10 cho biết nước này sẽ ưu tiên đón du khách quốc tế đến từ VN và các nước ASEAN khác sau khi ít nhất 50% dân số nước này tiêm vắc xin Covid-19. Lào hy vọng đạt tỷ lệ tiêm vắc xin trên vào cuối năm nay, theo tờ The Laotian Times.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.