Hai công nghệ đặc biệt gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/05/2019 09:00 GMT+7

'Vận dụng công nghệ này cũng chỉ có VN giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Triều Tiên giữ gìn thi hài lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai nhà lãnh đạo này là ông Kim Jong-il', tướng Kiếm cho hay.

Theo thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc gìn giữ thi hài Bác, có nhiều yếu tố nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất là loại dung dịch dùng trong việc bảo quản và bộ quần áo đặc biệt.
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm kể, khoa học gìn giữ thi hài là một lĩnh vực rất mới, hết sức khó khăn phức tạp, trên thế giới chỉ có Liên Xô và hiện là Nga có. “Vận dụng công nghệ này cũng chỉ có VN giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Triều Tiên giữ gìn thi hài lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai nhà lãnh đạo này là ông Kim Jong-il”, tướng Kiếm cho hay. Bên cạnh đó, mặc dù trước đây Liên Xô dành cho chúng ta sự giúp đỡ toàn diện trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, song phía Liên Xô quản lý rất chặt công nghệ này theo quy chế bí mật quốc gia.

Vừa làm, vừa học

“Trong giai đoạn đầu, ta hoàn toàn nhờ vào chuyên gia Liên Xô, đặc biệt về y tế luôn có chuyên gia của bạn làm trực tiếp. Phía Liên Xô cũng giữ bí mật rất nghiêm, đặc biệt là về dung dịch đặc biệt, không cho các bác sĩ (BS) của chúng ta tiếp xúc”, tướng Kiếm kể, và cho biết, rất may mắn là sau khi các chuyên gia Liên Xô làm xong thì việc thu dọn, vệ sinh lại giao cho VN. “Chúng ta đã tận dụng dung dịch còn lại trên bông, gạc khi làm vệ sinh để nghiên cứu về loại dung dịch này. Qua quá trình quan sát trực tiếp như thế, ta tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của bạn, kể cả những động tác cụ thể”, thiếu tướng Kiếm nói.
Theo lời Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khó khăn lớn nhất khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, toàn bộ chuyên gia của Liên Xô ở lăng rút hết, kể cả chuyên gia y tế. “Lúc đó, chúng ta tưởng chừng như không thể để lăng hoạt động được nữa vì công trình lớn đó hoàn toàn do Liên Xô viện trợ. Nhưng lúc này cũng chính là lúc khẳng định ý chí độc lập, tự chủ tự cường của ta vươn lên”, theo tướng Kiếm.
Tới đầu năm 1992, phía bạn đồng ý chuyển giao số dung dịch hiện có cho VN để phục vụ cho công tác y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là tiền đề để các BS VN vươn lên làm chủ nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác. “Đây là cơ hội để chúng ta công khai lấy dung dịch đó để nghiên cứu, để nếu bạn không cung cấp thì ta tự sản xuất, tự chế. Và chúng ta đã làm được điều đó. Đó là vấn đề về khoa học chứ không đơn giản”, tướng Kiếm nói.
Tiếp đó, chúng ta đã đàm phán từng bước thuyết phục, đến tháng 6.2003, phía Liên bang Nga đã đồng ý pha chế loại dung dịch đặc biệt tại VN và đến đầu năm 2004 thì pha chế thành công. “Lúc đó, phía bạn yêu cầu sau khi pha chế xong phải đem về Nga kiểm tra có đủ tiêu chuẩn hay không rồi mới sử dụng. Quá trình đi lại khá phức tạp, nhất là trong bối cảnh lúc đó chúng ta vẫn đang mua dung dịch hằng năm. Đến năm 2005 thì bạn mới đồng ý để ta pha chế và kiểm tra ngay tại VN. Như vậy, sau 2 năm, chúng ta đã tiếp cận được công nghệ pha chế dung dịch tại VN”, tướng Kiếm nói và cho hay, đến nay, chúng ta đã 15 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt sử dụng trực tiếp cho việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ quần áo đặc biệt

Hai công nghệ đặc biệt gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh1
Bộ quần áo đặc biệt dùng cho việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh do Công ty may đo quân đội sản xuất Ảnh: Thùy Hoàng
Một công nghệ quan trọng nữa trong công tác gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ quần áo đặc biệt. Theo tướng Kiếm, một trong những nội dung quan trọng nhất đó là bảo đảm công tác y sinh, trong đó có nhiệm vụ sản xuất bộ quần áo đặc biệt tại VN. Từ chủ trương đó, cùng với nhiều năm dày công nghiên cứu khoa học của các chuyên gia VN về kết cấu vải, chúng ta đã tìm ra được loại vải của VN có đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu, kết hợp với các nhà máy tại VN sản xuất theo kinh nghiệm, đồng thời đàm phán với Trung tâm y sinh Moscow tìm đối tác chuyển giao công nghệ.
Sau quá trình đàm phán, được sự đồng ý của Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, ngày 12.11.2013, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, Chính phủ VN và Liên bang Nga đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý lăng với Viện Nghiên cứu khoa học công nghiệp cao su Liên bang Nga về chuyển giao công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt (Dự án VN01). “Đây là dự án xây dựng một cơ sở để sản xuất vải và bộ quần áo đặc biệt theo công nghệ của Liên bang Nga tại VN”, ông Kiếm cho biết.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 26.7.2018, dưới sự chủ trì của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đơn vị đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá và kết luận dự án VN01 đã hoàn thành xuất sắc, đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của nhiệm vụ đặc biệt. Tới ngày 16.1.2019 vừa qua, dưới sự chủ trì của thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dự án đã được Bộ Quốc phòng tiếp nhận, bàn giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý, vận hành phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Theo tướng Kiếm, dự án VN01 hoàn thành và đưa vào sử dụng là bước phát triển vượt bậc về công nghệ. “Đây là điểm mốc quan trọng đánh dấu kết quả to lớn của quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, khẳng định từ nay ta có đủ khả năng làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và cho biết, ngoài việc may bộ quần áo đặc biệt cho việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nghệ này còn được chúng ta ứng dụng sản xuất phục vụ dân dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.

Khó nhưng vẫn giữ gìn tốt

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm Ảnh: Lê Hiệp
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết, ban đầu chúng ta giữ gìn thi hài Bác ở không gian hẹp, không có người thăm viếng, nhưng sau đó đưa về lăng tổ chức thăm viếng thì hằng ngày thi hài Bác tiếp xúc với nhiều người, với ánh sáng, môi trường bên ngoài, cộng thêm thời tiết ở VN nóng ẩm, nên nhiệm vụ gìn giữ thi hài càng trở nên khó khăn dù đã làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, trong 50 năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nối tiếp nhau âm thầm, lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. “Thành công lớn nhất của nhiệm vụ y tế là trong suốt những năm qua, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thiếu tướng Cao Đình Kiếm khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.