Hai địa phương chậm trễ, TP.HCM vẫn quyết khởi công Vành đai 4 vào 2026

24/11/2024 11:40 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Hai địa phương chậm trễ, TP.HCM vẫn quyết khởi công Vành đai 4 vào 2026- Ảnh 1.

Lãnh đạo các địa phương thống nhất lựa chọn phương án cơ bản đi thấp; một số đoạn tuyến có mật độ dân cư cao hoặc các khu vực được quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, tuyến đi trên cao

NGUỒN: SỞ GTVT TP.HCM

TP.HCM sốt ruột khi Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu "im ắng"

Theo tờ trình, tổng chiều dài dự án Vành đai 4 TP.HCM trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dài 159,31km. Trong đó, dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, qua Đồng Nai 46,08 km, TP.HCM dài khoảng 16,7 km, qua Long An dài 78,3 km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5 km, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 3,8 km).

Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,95 km (không thuộc phạm vi dự án) đã được địa phương đầu tư 8,12 km, đoạn xây dựng mới 39,33 km đang triển khai đầu tư theo chủ trương đã được HĐND tỉnh thông qua. Đối với đoạn 12 km đường đô thị trên Vành đai 4, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai điều chỉnh để đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc đồng bộ với quy mô toàn dự án, theo ý kiến của Bộ GTVT.

Vành đai 4 TP.HCM sẽ được đầu tư với vận tốc thiết kế 100 km/giờ; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774,28 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT. Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn vay khoảng 53.109 tỉ đồng (bao gồm lãi vay), còn lại là vốn ngân sách. UBND TP.HCM kiến nghị chi dự án thành các nhóm dự án thành phần bao gồm: Nhóm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành, trong đó chia thành từng dự án nhỏ hơn do UBND tỉnh, thành phố à cơ quan chủ quản, chủ động thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; Tương tự, chia Nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng tuyến chính cao tốc tại từng đoạn cũng giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Dự án sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương được giao thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất... Trong đó, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng trước một số hạng mục khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (các khu vực phải xử lý nền đất yếu, khu vực đông dân cư, xây dựng khu tái định cư, khu vực đổ vật liệu thừa, mỏ vật liệu...).

Đáng chú ý, trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM 3 ngày trước khi trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết đây là dự án có quy mô lớn, lần đầu tiên UBND TP được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền lập dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ hồ sơ dự án thành phần của các địa phương. Hiện nay, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có văn bản cam kết chính thức nguồn vốn địa phương tham gia dự án. Song, để có cơ sở cho Bộ KH-ĐT xem xét, trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định dự án và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án, Sở GTVT vẫn kiến nghị UBND TP nhanh chóng thông qua các nội dung cơ bản của dự án tổng thể và trình Thủ tướng, Bộ KH-ĐT theo quy định.

"Sốt ruột" với tiến độ dự án như vậy, bởi theo đánh giá của UBND TP.HCM, Vành đai 4 sau khi hoàn thiện sẽ tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Con đường hình thành sẽ mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics...

Đây được coi là dự án hạ tầng trọng điểm đem lại bước đột phá mới cho kinh tế TP.HCM nói riêng cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

TP.HCM dự kiến sau khi dự án được thông qua, các địa phương sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 2025 - 2026. Các dự án thành phần qua các địa phương sẽ khởi công xây dựng từ quý 3.2026 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2028.

Hai địa phương chậm trễ, TP.HCM vẫn quyết khởi công Vành đai 4 vào 2026- Ảnh 2.

Phối cảnh 1 nút giao Vành đai 4 TP.HCM

NGUỒN: SỞ GTVT TP.HCM


12 cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 

Trên cơ sở thực tiễn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc trong thời gian vừa qua, TP.HCM và các địa phương kiến nghị 12 cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án, phạm vi áp dụng các cơ chế đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM, bao gồm cả đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Cụ thể: 

- Chính sách 1: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án trong tổng mức đầu tư của dự án tổng thể và trên tổng mức đầu tư của các dự án thành phần trên địa phận của từng địa phương không vượt quá 70%. Điều này nhằm tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện dự án, tham khảo cơ chế đã được áp dụng và thực hiện có hiệu quả tại các dự án quan trọng quốc gia.

- Chính sách 2: Giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP.HCM. Chính sách này là để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ các trung ương đến địa phương.

- Chính sách 3: Giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư công trình nằm trên địa giới hành chính của địa phương giáp ranh, được sử dụng Ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương. Điều này nhằm tiết kiệm thời gian trong tổ chức thực hiện đầu tư dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

- Chính sách 4: Cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Chính sách 5: Trong thời gian thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án vành đai 4.

Ngoài ra, còn có các chính sách liên quan đến trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi các dự án thành phần cần phải điều chỉnh; Cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án đầu tư được phê duyệt đối với các gói thầu: cung cấp dịch vụ tư vấn; phi tư vấn; hàng hóa; xây lắp phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều chỉnh quy hoạch; tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công xây dựng công trình...

Tất cả các chính sách này đều nhằm tiết kiệm thời gian, đảm bảo mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; đơn giản hóa hơn nữa quy trình, thủ tục để sớm đưa dự án vào khởi công, hoàn thiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.