Hai dự án bauxite Tây Nguyên chạy 'hết tốc lực'

21/01/2021 18:16 GMT+7

2 nhà máy bauxite Tây Nguyên là alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều đã chạy hết tốc lực, khi vượt công suất thiết kế 9%.

Hôm nay (21.1), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, một thông tin đáng chú ý được ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV báo cáo tại hội nghị là cả 2 nhà máy bauxite Tây Nguyên gồm Nhà máy alumin Tân Rai và Nhà máy alumin Nhân Cơ đều đã chạy vượt công suất thiết kế 9%.
Nhờ đó, tổng sản lượng sản xuất đạt 1,42 triệu tấn alumin quy đổi và cán bộ, công nhân 2 nhà máy đã hoàn toàn làm chủ về công nghệ. Đặc biệt, sản xuất tới đâu bán với đó (1,42 triệu tấn), đạt 109% so với kế hoạch và tăng 1% so với năm 2019.
Kế hoạch của năm 2021 đặt ra cho 2 nhà máy là 1,3 triệu tấn (mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin quy đổi).
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, việc sản xuất alumin quy đổi đạt 1,4 triệu tấn năm, là năm đạt cao nhất từ trước đến nay là thành tích rất đáng ghi nhận bởi đây là ngành cần phát triển, là tiềm năng to lớn của đất nước. Đáng nói nữa là TKV đã khai thác, chế biến và đảm bảo những yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
“Đây là yêu cầu quan trọng để phát triển bền vững. Không thể vì sản xuất alumin mà chúng ta lại làm ảnh hưởng đến môi trường”, Phó thủ tướng nói đồng thời chia sẻ thêm, ông đã đến thị sát nhà máy, tận mắt chứng kiến công tác bảo vệ môi trường, phục hồi lại những cơ sở khai thác được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của Tây Nguyên, vùng đang còn nhiều khó khăn.
Báo cáo của TKV cũng cho hay, năm 2020, doanh thu của toàn Tập đoàn ước đạt 123.400 tỉ đồng, đạt 89% kế hoạch, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận đạt 3.000 tỉ đồng, bằng 86% kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước 19.500 tỉ đồng.
Sang năm 2021, TKV đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, mức nộp ngân sách tương đương năm 2020. Trong đó, sản xuất kinh doanh than đạt khoảng 42 triệu tấn (trong nước sử dụng khoảng 40,77 triệu tấn, xuất khẩu 1,23 triệu tấn), sản lượng phát điện thương mại khoảng 10 tỉ kWh.

Khẩn trương nghiên cứu khai thác bể than sông Hồng

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, trong những năm qua, TKV đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng về phát triển năng lượng, đồng thời tham gia phát triển trực tiếp về năng lượng điện, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng như cơ hội thời cơ để phát triển, ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành than, khoáng sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trước hết là các nguồn cung cấp năng lượng trong nước đang không đáp ứng đủ nhu cầu của nguồn năng lượng sơ cấp, cho nên phải nhập khẩu than, nhập khẩu khí ngày càng lớn.
Vấn đề thứ hai là hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp; cơ sở hạ tầng năng lượng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, từ kho cảng, đường ống, đến hệ thống truyền tải. Trình độ công nghệ ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, do đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.
Phó thủ tướng yêu cầu TKV mở rộng tìm kiếm, thăm dò, đẩy mạnh khai thác than trên cơ sở đảm bảo an toàn hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than sông Hồng, đẩy nhanh việc nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng, các kho trung chuyển và dự trữ quy mô lớn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.