Hai dự án đường sắt đô thị phải xin ý kiến Bộ Chính trị vì đội vốn

22/10/2018 17:15 GMT+7

Dự án Bến Thành - Suối Tiên đội vốn từ 17.388 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng, dự án đường sắt đô thị Hà Nội đội vốn từ 19.555 tỉ lên 35.679 tỉ đồng sẽ phải báo cáo để Bộ Chính trị cho ý kiến.

Giải ngân ODA và vốn trái phiếu Chính phủ quá chậm
Tại Báo chẩm tra báo cáo đầu tư công trung hạn của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã chỉ ra những điểm tắc nghẽn trong đầu tư công hiện nay, đặc biệt là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA rất thấp, khiến các nhà tài trợ nhiều lần than phiền.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt tỷ lệ rất thấp.
Báo cáo số 51/BC-BTC ngày 28.8 của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016 - 2018 mới giao kế hoạch vốn TPCP được 45,7% và giải ngân được 22%.
Việc giải ngân vốn ODA cũng tắc nghẽn, do việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch đối với nguồn vốn ODA chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án, chưa tính hết các dự án đã hoàn thành giai đoạn trước, cần bố trí vốn để quyết toán trong giai đoạn này.
Để đảm bảo thực hiện cam kết với các tổ chức quốc tế, Quốc hội đã phải quyết định cho phép sử dụng hơn 14.000 tỉ đồng nguồn dự phòng chung của giai đoạn này để quyết toán cho các dự án đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được quyết toán. Tuy vậy, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mặt khác, kế hoạch đầu tư công cũng chưa tính toán cân đối hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn do phát sinh các hiệp định ký kết sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi có nhiều dự án không thể giải ngân, làm tăng áp lực trong việc cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến thủng trần 300.000 tỉ vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ủy ban TCNS cũng dẫn báo cáo Kiểm toán năm 2016 cho thấy, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II) phải trả phí cam kết cho JICA 5,96 tỉ đồng khi không sử dụng hết vốn ODA đã huy động...
Báo cáo Bộ Chính trị về dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên
Tại báo cáo này, Ủy ban TCNS cũng nhận định việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Một số dự án quan trọng quốc gia như: cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành đã được Quốc hội bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai chậm.
Một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư. Đơn cử, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng TMĐT từ 17.388 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến nay đã 12 năm vẫn chưa hoàn thành; dự án Bến Thành - Tham Lương tăng TMĐT từ 26.116 tỉ đồng lên 48.771 tỉ đồng...
Một số dự án sử dụng vốn ODA chất lượng chưa bảo đảm như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi “như ruộng cày” được báo chí phản ánh thời gian gần đây.
Việc thực hiện định hướng “khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư” chưa thực sự thành công.
Cơ chế thu hút đầu tư PPP được cho là chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, một số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông phải chuyển sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, làm tăng áp lực đối với việc cân đối ngân sách.
Đơn cử, Chính phủ đã phải đề xuất thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đối với một số tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An và đề xuất bố trí vốn ngân sách để mua lại một số dự án BT của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại Tờ trình số 173/TTr-CP ngày 11.5.2018.
Chính phủ cũng đề nghị chuyển từ vay lại sang nhà nước đầu tư trực tiếp các dự án do VEC và VIDIFI làm chủ đầu tư với tổng số vốn kế hoạch là 13.171 tỉ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.
Theo Ủy ban TCNS, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội không cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, những dự án này phát sinh trước thời điểm các nghị quyết nêu trên được ban hành, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến về nội dung này. Do đó, Ủy ban TCNS cũng trình Quốc hội cho phép giữ lại nguồn lực, chờ cơ cấu lại và có kết luận của Bộ Chính trị thì tiếp tục xử lý.
Đối với các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và thành phố Hồ Chí Minh (đoạn Bến Thành - Suối Tiên), Chính phủ đề xuất bố trí thêm 29.000 tỉ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.
Ủy ban TCNS cho rằng, các dự án này đã bị chậm tiến độ nhiều năm, một phần do nguyên nhân thiếu vốn, một phần do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị hướng xử lý quyết định tăng tổng mức đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan quyết định đầu tư có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và sẽ giao thêm kế hoạch vốn cho các dự án này sau khi tổng mức đầu tư mới được phê duyệt.
Tăng 60.000 tỉ đồng để giải quyết việc “thủng trần” ODA trung hạn
Để giải quyết phần “thủng trần” ODA trung hạn, Chính phủ đã tính toán lại và cho biết tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 360.000 tỉ đồng, tăng 60.000 tỉ đồng so với kế hoạch đã được Quốc hội quyết định.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng tình bố trí vốn để triển khai các dự án vay vốn ODA đã được ký kết là cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm 60.000 tỉ đồng sẽ vượt mức trần 2 triệu tỉ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn và sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công.
Do vậy, Ủy ban TCNS đã đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung kế hoạch vốn không quá 60.000 tỉ đồng cho các dự án sử dụng vốn ODA, đồng thời giảm phần vốn trái phiếu Chính phủ để không vượt mức 2 triệu tỉ đồng đầu tư công của cả giai đoạn. Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng đề nghị thực hiện đúng thời hạn “tốt nghiệp ODA” để đảm bảo có lãi suất hợp lý nhất, đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi đã được Quốc hội thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.