Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, xã đạt tiêu chí cao nhất là 14 tiêu chí; thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn năm 2010: 14,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 12,2%.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt; hạ tầng KT-XH được cải thiện; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn NTM; 43/178 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2011 - 2021, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 58.000 tỉ đồng, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp.
Cũng theo UBND tỉnh Hải Dương bên cạnh những kết quả đạt được thì Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh này vẫn còn một số hạn chế như: kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững; thu nhập của người dân chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa nhiều; các chỉ tiêu về sản xuất, môi trường chưa thật sự bền vững.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm góp phần thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Chính phủ luôn chú trọng đến xây dựng NTM với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và triển khai nhiều đề án, dự án, chiến lược lớn, quan trọng, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp với hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp phát triển nhiều mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
Xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định "nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và đặt ra mục tiêu "phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng - một trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của đất nước, nhiều năm qua, Hải Dương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"
Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Theo đó, quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn năm 2045; các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương; quán triệt các quan điểm, định hướng lớn trong xây dựng, phát triển đất nước; vận dụng sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương trên tinh thần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, bảo đảm kết nối giữa nông thôn với đô thị, giữa T.Ư với địa phương, giữa tỉnh với huyện, huyện với xã, giữa các địa phương với nhau; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", từ "tìm kiếm thị trường" sang "nghiên cứu thị trường" để hướng tới "nông nghiệp đặt hàng". Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP (là sản phẩm thuộc chương trình "mỗi xã một sản phẩm") với 5 yếu tố (xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển mẫu mã, bao bì; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ nguồn vốn).
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, nhất là quản lý rác thải, nước thải sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ; tập trung xử lý ô nhiễm ở làng nghề, bãi tập trung chôn lấp…
Hết sức quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Với những người không có khả năng thoát nghèo do điều kiện khách quan như người không có khả năng lao động….
Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chính sách bảo trợ xã hội với tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; bảo đảm an ninh và trật tự xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ hỗ trợ...; phát huy vai trò trụ đỡ của nông nghiệp gắn với thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.
Chú trọng đầu tư cho con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xác định con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Coi trọng công tác liên kết vùng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng phối hợp tốt với các bộ, ngành, trên tinh thần thực chất, hiệu quả, mang lại kết quả cân đong đo đếm được, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển tỉnh Hải Dương.
Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn NTM.
Bình luận (0)