Hải Dương và Hưng Yên nâng mức báo động lũ lên cấp 3

11/09/2024 15:19 GMT+7

Hưng YênHải Dương đã nâng mức báo động lũ sông Hồng, sông Thái Bình từ cấp 2 lên cấp 3; yêu cầu các đơn vị trực tại các tuyến đê xung yếu 24/24 giờ.

Hải Dương: Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống lụt

Ngày 11.9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hải Dương, cho biết cùng ngày, đơn vị đã có công văn hỏa tốc gửi tới Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện: Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Nam Sách, TP.Hải Dương, TP.Chí Linh, TX.Kinh Môn, cùng các sở, ban, ngành liên quan về nâng mức báo động từ cấp 2 lên cấp 3.

Theo tin cảnh báo lũ trên các sông của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương tại bản tin ngày 11.9, trong 12 - 24 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động cấp 3 và tiếp tục lên.

Hải Dương và Hưng Yên nâng mức báo động lũ lên cấp 3- Ảnh 1.

Cờ báo động cấp 3 tại hệ thống sông Thái Bình ở Hải Dương

ẢNH; C.T.V

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ đầu theo phương châm "4 tại chỗ".

Hậu quả thảm khốc sau bão Yagi: 296 người chết và mất tích

UBND các huyện, thành phố, thị xã bằng các biện pháp thông tin thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh. Xác định các khu vực cụ thể có các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông không đảm bảo an toàn (kể cả trong các đê bối) để triển khai ngay phương án di dời người và tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thu hoạch, di dời các lồng bè nuôi cá trên sông về nơi an toàn, trường hợp không thể di dời phải gia cố lồng bè và có giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn.

Hải Dương và Hưng Yên nâng mức báo động lũ lên cấp 3- Ảnh 2.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở TX.Kinh Môn (Hải Dương) ngập sâu

ẢNH: C.T.V

Cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng; đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Hải Dương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo tại địa bàn đã được phân công. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, các xã, phường phải lên đê để thường trực chỉ huy ứng cứu tại chỗ.

Hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải coi công tác phòng chống lụt là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất để tập trung chỉ đạo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Hưng Yên: Sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng bãi sông

Cũng trong ngày 11.9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và TP.Hưng Yên và các sở, ban, ngành liên quan, phát lệnh báo động từ cấp 2 lên cấp 3 trên đê tả sông Hồng.

Theo công điện, mực nước trên sông Hồng lúc 9 giờ ngày 11.9 tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 7,02 m (trên báo động 3 là 2 cm) và tiếp tục lên.

Trước tình hình trên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên yêu cầu các đơn vị thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các H.Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và TP.Hưng Yên tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc canh gác đê của địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng chống thiên tai của địa phương và của ngành theo phương châm "4 tại chỗ".

Hải Dương và Hưng Yên nâng mức báo động lũ lên cấp 3- Ảnh 3.

Công an H.Khoái Châu (Hưng Yên) giúp dân di dời tài sản đến nơi an toàn

ẢNH: HÙNG QUANG

Triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ; tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông, phải có biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Thường xuyên rà soát, kiểm tra an toàn các tuyến đê bối và có biện pháp tránh vỡ bối đột ngột.

Chủ động, sẵn sàng và triển khai phương án sơ tán dân ngoài vùng bãi sông nhất là ở khu vực nguy hiểm, mất an toàn khi có ngập lụt xảy ra theo phương án của địa phương, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại người và tài sản.

Cấm các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe có giấy phép, xe ưu tiên theo quy định), các bến đò dọc, ngang hoạt động. Cảnh báo người dân không đi lại ven sông, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở và không được đánh bắt thủy sản trên sông.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.