Hai giải pháp chống ùn tắc giao thông không tốn ngân sách

30/01/2017 09:20 GMT+7

Trả lại lòng đường, vỉa hè, “chặt góc” giao lộ là những giải pháp có thể làm ngay, không tốn ngân sách nhưng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đáng kể.

Là người sống tại thành phố Hồ Chí Minh, khổ sở vì nạn kẹt xe, ông Nguyễn Đức Châu, công tác tại Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, từng gửi văn bản kiến nghị các giải pháp chống kẹt xe lên các bộ liên quan, nhưng không nhận được phản hồi.
Tuy nhiên, ông Châu vẫn rất tâm huyết muốn nêu lên các giải pháp chống kẹt xe như một trong những kênh tham khảo cho các cơ quan quản lý.
Thanh Niên xin trích đăng quan điểm của ông Nguyễn Đức Châu:
“Năm 1993, một chuyên gia giao thông đã cảnh báo về nạn ách tắc giao thông với các ước tính về tỷ lệ mặt lộ trên đơn vị xe, mật độ dân số và mức độ thiệt hại, nhưng nhà quản lý không quan tâm. Và giờ đây nạn kẹt xe đang gây tác hại to lớn về nhiều mặt (giờ lao động, vận chuyển, môi trường, tâm lý, kế hoạch phát triển…) chúng ta nên cùng nhau tìm hướng giải quyết trước mắt và dài hạn cho vấn đề này.
Theo ông Bernd Lukenheiner, Giám đốc tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), mức độ đô thị hoá ở Việt Nam hiện nay khá thấp, khoảng 28%. Ngoài ra, việc tăng số lượng xe máy và xe hơi cá nhân rất nhanh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn của Việt Nam.
Tôi kiến nghị 4 giải pháp chống ùn tắc, trong đó, hai phương án đầu gần như không tốn ngân sách nhà nước.
Một là trả lại lộ giới (chỉ giới 2 bên đường): Đây là phương án dài hạn, căn cơ nhất giúp mở rộng nâng tỷ lệ mặt đường, giải quyết tận gốc vấn nạn giao thông mà không tốn một đồng kinh phí.
Với mật độ diện tích đường trên diện tích chung của thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 2 - 3% trong khi tiêu chuẩn chung phải từ 20 - 25% thì ách tắc giao thông sẽ là chuyện dài nhiều tập. Điều đầu tiên là nghiêm cấm không cho xây dựng trên lộ giới. Cho đến nay các hộ dân vẫn được phép giữ lại phần lộ, hẻm để làm tường rào, sân sau khi xây dựng.
Thậm chí rất nhiều hộ còn tranh thủ lấn ra thêm. Như thế, công dụng của các hẻm và lộ nhỏ vẫn không thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác an ninh, phòng cháy chữa cháy, giao thông… Kèm theo là việc giải toả bắt buộc các hộ còn lại với các đoạn đường nào có trên 50% hộ đã xây thụt vào đúng quy định về lộ giới, trả lại lộ giới cho giao thông.
Phương án này không tốn kinh phí nhưng rất hiệu quả nếu chính quyền địa phương quyết tâm triển khai. Khi thực hiện triệt để phương án này, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi trong khoảng 3 - 5 năm, diện tích mặt đường trên đơn vị xe sẽ tăng gấp đôi, có thể đủ đáp ứng với tỷ lệ tăng đầu xe trong những năm sắp đến. Khi kẹt, xe 2 bánh và xe con có thể dễ dàng vào hẻm, thông qua đường khác.
Hai là chặt góc giao lộ (đoạn đường giao nhau thành các ngã 3, ngã 4 - PV): Ngoài phương án cấm xây dựng trên lộ, hẻm để mở rộng lòng đường, hẻm trong vòng vài năm, chúng tôi xin đề nghị một giải pháp mang tính đối phó và đồng thời hỗ trợ cho giải pháp thứ nhất là: ‘chặt góc giao lộ’.
Các góc giao lộ sau khi giải toả sẽ được xây dựng theo hình đường vòng cung để các phương tiện giao thông quẹo phải thuận tiện hơn. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gặp phải một số ý kiến phản đối, đặc biệt từ các chủ hộ, chủ công trình liên quan vì quyền lợi của họ trên các vị trí ‘đắc địa’ bị đe doạ. Nhưng vì sự phát triển bền vững của kinh tế của các thành phố lớn, chúng ta phải hy sinh quyền lợi một số cá nhân nêu trên.
Ba là xây cầu vượt, hầm chui ở các nút giao thông cổ chai. Các nút giao thông thường hay ùn tắc nên dành kinh phí ưu tiên xây cầu vượt, hầm ngầm. Phương án này đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả cao, nên cần được đẩy mạnh ở các đoạn thắt cổ chai gây ùn tắc nghiêm trọng hiện nay.
Bốn là thúc đẩy phương tiện giao thông công cộng. Trợ giá các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt bằng nguồn xã hội hóa như: quảng cáo trên xe buýt, tại trạm xe buýt, biển quảng cáo to…. Người dân, vì kẹt xe quá nhiều và giá xe buýt rẻ, sẽ nhanh chóng thay đổi phương tiện đi lại. Xe điện, monorail (tàu điện) là các giải pháp ưu thế cho thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.