Hài hòa lợi ích ở đâu?

30/03/2013 03:10 GMT+7

Quyết định tăng giá xăng A92 lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít của liên bộ Tài chính - Công thương tối 28.3 gây sốc cho người tiêu dùng, nhất là khi trước đó các doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi.

Quyết định tăng giá xăng A92 lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít của liên bộ Tài chính - Công thương tối 28.3 gây sốc cho người tiêu dùng, nhất là khi trước đó các doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi.

Rất nhiều lần liên bộ khẳng định điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp - nhà nước - người tiêu dùng nhưng trên thực tế, người tiêu dùng luôn bị xếp cuối trong mối quan hệ lợi ích này. Điều này thể hiện ở chính sách điều tiết hai công cụ chính là quỹ bình ổn và thuế nhập khẩu xăng dầu đang nghiêng về lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp (DN) nhiều hơn.

Về quỹ bình ổn, khi giá thế giới liên tục tăng (sau thời điểm giảm giá xăng dầu gần nhất là ngày 11.11.2012), để giữ giá xăng dầu cho mục tiêu kiềm giữ lạm phát, quỹ bình ổn đã được sử dụng như công cụ chủ lực. Tính từ 15.1 - 8.2, để neo giá xăng dầu, liên bộ đã cho các DN đầu mối được tăng mức xả quỹ với xăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít, và tới ngày 28.2, mức xả quỹ tăng lên kỷ lục là 2.000 đồng/lít. Thời điểm đó nhiều ý kiến đã cho rằng mức trích quỹ tới 2.000 đồng/lít chỉ là giải pháp tình thế, khó duy trì lâu dài bởi nguồn quỹ không còn nhiều, dễ dẫn tới giá tăng sốc khi quỹ cạn, không còn đủ sức gồng gánh. Chưa kể quan trọng hơn, nguồn hình thành quỹ bình ổn bản chất là từ tiền đóng trước trong giá xăng của người dân (300 đồng/lít), nói cách khác, người dân gửi tiết kiệm trước để đến khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, chính số tiền được người dân bỏ ra này được dùng để bù đắp, giữ giá trong nước.

Một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng đã có sự hiểu nhầm của người dân cũng như một số chuyên gia khi cho rằng DN được hưởng lợi từ quỹ bình ổn giá. Vậy nếu không phải DN thì ai được lợi từ việc trích quỹ này? Rõ ràng DN ít nhiều có lợi khi gánh nặng lỗ đã được cho phép bù đắp bằng nguồn tiền tiết kiệm trước đó của người dân. Ngoài ra, việc sử dụng tiền từ quỹ bình ổn cũng giúp các bộ không phải tính đến một công cụ điều hành quan trọng khác, đó là thuế nhập khẩu xăng dầu. Ở những thời điểm căng thẳng nhất, công cụ thuế tiếp tục bị “lờ” đi, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn đứng vững ở mốc 12%. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang khó khăn, cơ quan quản lý đã không chọn giải pháp giảm thuế, mà chọn cách chuyển gánh nặng giá xăng lên vai người tiêu dùng.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, chính sách điều hành đang bị “mắc kẹt”. Việc hạ thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới ngân sách mất một phần nguồn thu, nhưng trong bối cảnh lạm phát đã được kiềm giữ, đáng lẽ quyền lợi của người dân cần được coi trọng (có thời điểm mức thuế đã được nhà nước hạ xuống 2%, thậm chí 0% để chia sẻ với người tiêu dùng). “Nguồn thu từ thuế xăng dầu giảm thì có thể huy động nguồn khác để bù, đặc biệt là tiết kiệm chi, vì chi hiện nay vẫn rất lãng phí, tốn kém”, TS Hồ phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, giá xăng tăng, lo ngại không phải là lạm phát, vì lạm phát năm nay có khả năng khống chế được, mà lo nhất là an sinh xã hội. Tổng cầu của nền kinh tế, trong đó có cầu của dân cư đang giảm sút nghiêm trọng, các DN đang ngày càng mất đà rõ hơn, việc tăng giá xăng kỷ lục, đánh vào giá cũng là đánh mạnh hơn vào yếu tố cầu này, không chỉ khiến tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn, mà còn làm cho đời sống người dân khó khăn hơn nữa.

Mai Hà

>> Xăng tăng 1.430 đồng/lít
>> Giá xăng tăng 1.430 đồng/lít từ 20 giờ tối nay
>> Khốn đốn vì giá xăng tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.