Hãi hùng giã cào bay

26/08/2018 10:27 GMT+7

Cách đánh bắt bằng tàu giã cào bay khiến tôm cá không thể sinh sôi và bền vững được.

Hằng ngày, ngư dân Nguyễn Văn Phòng (42 tuổi, nhà ở xóm 9B, xã Hòa Phú, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cùng vợ là chị Trần Thị Đức (37 tuổi), chèo thúng đi thả lưới, câu mực bằng ốc vôi và giăng câu bắt cá bớp. Anh Phòng kể mình theo nghề từ nhỏ, tuy cuộc sống gia đình không giàu có nhưng bám biển, chịu khó làm lụng sẽ không lo đói.
Thế nhưng tình trạng tàu giã cào bay hoành hành thật sự đáng báo động. Mắt lưới nhỏ của tàu giã cào bay khiến các sinh vật dưới biển bị tận diệt, tàu lại chạy với tốc độ cao nên rất dễ cuốn theo ngư cụ gây hư hỏng, thiệt hại cho các ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, ông Nguyễn Đức Thành cho hay chuyện xung đột giữa ngư dân đánh bắt truyền thống và ngư dân sử dụng tàu giã cào bay cũng đã xảy ra.
Ông Thành cho biết phần lớn các tàu giã cào bay là tàu hoán cải. Ghe tàu có công suất máy từ 45 - 60 CV nhưng được ngư dân tháo ra, sau đó lắp máy các loại xe đã hết đời vào. Qua quá trình độ chế, ghe tàu có công suất lớn nhưng kích thước vẫn không thay đổi. Vì thế, ngư dân chỉ quanh quẩn gần bờ chứ không thể ra khơi xa và dẫn đến cứ đánh bắt là... vi phạm.
Theo ông Thành, cách đánh bắt bằng tàu giã cào bay khiến tôm cá không thể sinh sôi và bền vững được. Hiện tại, chính quyền đang cố gắng vận động ngư dân thay đổi hình thức đánh bắt. Lúc trước trên địa bàn xã Hòa Phú có 100 tàu giã cào bay, qua công tác vận động cũng như xử lý một số tàu vi phạm giờ còn 64 tàu.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (42 tuổi) nhà ở xóm 6 (xã Hòa Phú, H.Tuy Phong) ngày nào cũng cùng chồng ra khơi đặt và kéo dập lồng. Chị kể hồi mới đi cũng ói lên ói xuống vì say sóng Ảnh: Trác Rin
Tôm cá được chị Tuyết Mai trút vào rổ nhựa. Tôm cá giờ chỉ vụn vặt đủ thứ chứ không còn loài nào có giá trị lớn Ảnh: Trác Rin
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi), chồng chị Mai vẫn đều đặn kéo lồng từ dưới biển lên. Khoảng 4 giờ sáng hằng ngày hai vợ chồng cùng ra khơi, đến tầm trưa sẽ vào bờ bán cá Ảnh: Trác Rin
Anh Dũng cho biết những ngày nắng ráo, biển êm thì chẳng sao chứ trúng bữa mưa gió, biển động hai vợ chồng phải đội mưa, người lạnh tới mức run rẩy giữa biển trời mênh mông sóng nước... Ảnh: Trác Rin
Những ngày biển động, nhiều ngư dân ở xóm 20, xã Chí Công (H.Tuy Phong) “nằm bờ”, đây là khu vực nổi tiếng về việc khai thác các loại sò Ảnh: Trác Rin
Trên bờ, nhiều ngư dân vẫn “canh me” giờ biển êm để ra khơi, lặn sò bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi chuyến đi, thợ lặn sò bắt được 50 -- 80 kg sò các loại. Rạng sáng, khi trời lạnh tanh thợ lặn ra khơi, đến xế chiều mới vào bờ Ảnh: Trác Rin
Trong khi đó, nhiều chị em phụ nữ lại chực chờ ở cảng Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong) để tìm mua hải sản bán kiếm lời. "Cơm hàng cháo chợ", họ ăn vội thứ gì đấy rồi tiếp tục ngồi trông ngư dân nào đó cập cảng Ảnh: Trác Rin
Nhiều thành viên trong đội bốc xếp ở cảng Phan Rí Cửa vẫn miệt mài khiêng những bịch cá cơm từ ghe tàu lên bờ. Họ phải trầm mình dưới nước, phủ thêm lớp ni lông lên vai để hạn chế mùi tanh của cá Ảnh: Trác Rin
Anh Nguyễn Văn Ứng (39 tuổi, thành viên trong đội bốc xếp ở cảng) cho hay vác 1 tấn cá cơm được chủ tàu trả 100.000 đồng. “Buổi sáng với xế chiều ghe tàu về nhiều nên tui làm không xuể. Đội của tui có 10 người, một bữa kiếm chừng 200.000 đồng nhưng có khi chỉ... 20.000 đồng”, anh Ứng buôn chuyện trong lúc nghỉ ngơi. Ảnh: Trác Rin
Đáng lưu ý, tình trạng giã cào bay hoành hành khiến tôm cá cạn kiệt, các ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ cũng nơp nớp lo sợ bị cuốn mất ngư lưới cụ. Chính quyền cũng đang vận động các ngư dân sử dụng tàu giã cào thay đổi hình thức đánh bắt, từ đó bà con ngư dân mới bám biển một cách bền vững... Ảnh: Trác Rin
Anh Nguyễn Văn Dũng đang vá những xấp lồng bị rách trong quá trình đánh đánh bắt Ảnh: Trác Rin
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.