Hai mặt của đòn bẩy tài chính

10/10/2009 22:24 GMT+7

TTCK trong những phiên đầu tháng 10 này đã liên tục giảm điểm với mức giảm khá mạnh. Nhiều lý do đã được đưa ra, trong đó không ít ý kiến cho rằng do hệ lụy của việc nhà đầu tư (NĐT) đã sử dụng đòn bẩy tài chính là vốn vay cầm cố chứng khoán (CK) quá nhiều.

Từ làm tăng lợi nhuận...

Trong vòng 4 tháng qua, TTCK đã có bước tăng trưởng khá ngoạn mục. Khi đó, các ngân hàng đã mở lại dịch vụ cho NĐT vay cầm cố CK thông qua công ty chứng khoán (CTCK). Tỷ lệ cho vay cầm cố CK từ 20 - 50% thị giá với lãi suất khoảng 10,5 - 13%/năm. Dù số lượng các mã CK được chấp nhận cho cầm cố chỉ khoảng 40% số CK đang niêm yết trên cả hai sàn nhưng số lượng tiền cho vay ước tính cũng không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc cho ứng trước tiền bán CK cũng được thực hiện ngay tức thì và hầu như 100% NĐT đều sử dụng dịch vụ này. Việc ngân hàng mở lại dịch vụ vốn đã bị siết chặt trước đó khiến nhiều NĐT nhận định lý giải rằng tính thanh khoản trên thị trường tăng cao đột biến với giá trị giao dịch khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng/phiên là nhờ tiền vay của ngân hàng. Điều này không sai, nhưng cũng chưa hẳn chính xác. Bởi trong thời gian trên, số lượng CK mới lên sàn cũng khá nhiều với hàng trăm triệu CP.

Số lượng NĐT mới là cổ đông các công ty này tham gia vào thị trường rất lớn. Hơn nữa, việc áp dụng đòn bẩy tài chính cho NĐT là một trong những hoạt động của các CTCK để đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Theo chị Vũ - một NĐT có tài khoản tại BVSC chi nhánh TP.HCM - dù chị cũng ít đi vay cầm cố CK nhưng từ tháng 8 chị cũng đã sử dụng dịch vụ này khi thấy nhiều mã CK liên tục tăng. "Mình chỉ có 100 triệu nhưng sau khi vay thì được mua lên đến 150 triệu.

Với tỷ lệ sinh lời khoảng 20%, số vốn vay này giúp mình tăng thêm lợi nhuận được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng trong khi chỉ phải trả lãi vay chưa tới 1 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Vì vậy tôi thấy dịch vụ này rất cần thiết", chị Vũ nói. Nhiều CTCK cho rằng nhu cầu vay của NĐT khi thị trường tăng trưởng vừa qua rất lớn. Để không mất khách hàng thì công ty phải cố gắng tìm ngân hàng đối tác để đáp ứng dịch vụ này mặc dù những rủi ro cho ngân hàng và công ty cũng có.

...đến "tội đồ"

Đòn bẩy tài chính sẽ làm gia tăng mức lợi nhuận cho NĐT theo cấp số cộng nhưng cũng làm gia tăng rủi ro theo cấp số nhân. Thông thường, theo các CTCK, khi giá CK giảm xuống 20% so với thị giá khi ký hợp đồng cho vay thì NĐT phải đóng thêm tiền. Nếu không thì CTCK phải bán ra số CK được cầm cố để thu hồi lại số tiền đã cho vay. Đây chính là rủi ro đầu tiên mà các NĐT phải đối diện. Khi VN-Index đang xoay quanh mức 570 - 580 điểm, nhiều CTCK đã cảnh báo cho các NĐT muốn sử dụng vốn vay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Long - quyền Tổng giám đốc CTCK u Việt - chỉ có một số ít NĐT là nghe theo lời cảnh báo này. Vì vậy khi thị trường giảm mạnh, việc bán tháo nhiều CP trong các phiên giao dịch vừa qua để thanh toán tiền vay cầm cố CK là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, theo ông Long thì đòn bẩy tài chính chỉ là một yếu tố "đổ thêm dầu vào lửa" khiến nhiều NĐT muốn bán ra CK nhiều hơn, những nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh của thị trường thì sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể. Ví dụ đợt điều chỉnh mới đây là do sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường trong khi sự phục hồi của nền kinh tế chưa diễn ra như mức kỳ vọng. Kết quả kinh doanh của nhiều công ty niêm yết trong quý 3 cao hơn hai quý đầu năm nhưng cũng đã phản ánh hết vào giá CK và có thể giá CP sẽ khó tăng nữa... Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cũng cho rằng việc giảm điểm của thị trường chứng khoán nhiều nước trong suốt tuần qua cũng tác động đến tâm lý NĐT.

Hơn nữa, không có thị trường nào tăng hoài trong khi thật sự vẫn chưa có yếu tố hỗ trợ mạnh trong thời điểm hiện tại. Do đó khi sử dụng đòn bẩy tài chính, NĐT phải biết sức chịu đựng rủi ro của mình đến đâu khi biến động trên thị trường không như dự đoán. Hơn nữa, các NĐT cũng phải tập làm quen với những rủi ro cao hơn khi thị trường áp dụng các nghiệp vụ mới trong thời gian tới như giao dịch ký quỹ, repo CK... 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.