Hai mẹ con cá voi xuất hiện trở lại ở biển Bình Định

14/08/2022 16:01 GMT+7

Ngày 14.8, anh Đỗ Thanh Toàn, ngư dân ở Đề Gi (thuộc xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định ) cho biết sáng sớm cùng ngày đã phát hiện 2 mẹ con cá voi trở lại vùng biển này sau 3 ngày vắng bóng.

Mấy ngày qua, người dân và khách du lịch ở Bình Định không còn thấy bóng dáng của hai mẹ con cá voi ở biển Đề Gi nữa nên nghĩ rằng cả bầy đã kéo đi nơi khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện trở lại của hai mẹ con cá voi sớm nay khiến không ít người trầm trồ, thích thú.

Cảnh tượng cá voi săn mồi ở vùng biển Bình Định những ngày qua gây "sốt"

hoàng đức ngọc

Lần trở lại này của hai mẹ con cá voi có chút khác hơn trước. “Chúng không còn ăn mồi nhiều nữa, ít nổi lên mặt nước và khó để lại gần chúng hơn”, anh Toàn kể lại.

Các nhà khoa học đến Bình Định khảo sát cá voi ở biển Đề Gi

Tiến sĩ Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển, Viện Hải dương học Nha Trang, nhận định: “Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có hiện tượng cá voi vào gần bờ kiếm ăn trong nhiều ngày. Vì trước giờ chúng ta chỉ ghi nhận các trường hợp cá voi mắc cạn chết dạt vào bờ hoặc chúng bơi qua vùng biển trên hành trình di cư. Trước hiện tượng thú vị này, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao vùng biển Bình Định có cá voi xuất hiện và tại sao chúng lại ở lâu đến vậy? Câu trả lời là nguồn thức ăn tập trung nhiều. Môi trường biển này có các yếu tố thuận lợi phù hợp với tập tính của cá voi như dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, sinh vật phù du phong phú… đã tập trung nhiều nguồn thức ăn của cá voi”.

Cá voi đớp mồi

hoàng đức ngọc

Trước đây khá lâu, khoảng chục năm về trước, việc cá voi ghé lại vùng biển này mỗi năm từ 1-2 ngày là bình thường. Tuy nhiên sau đó nạn đánh bắt cá bằng thuốc nổ đã khiến nguồn thức ăn của các loài cá lớn cạn kiệt. Thêm vào đó, sự ô nhiễm tiếng ồn, môi trường biển từ thuốc nổ độc hại đã làm những loài động vật có vú ở biển (vốn sử dụng âm thanh để giao tiếp và định hướng) không còn ghé lại.

Những năm gần đây, khi nạn dùng thuốc nổ trên biển bị ngăn chặn, luồng nước và môi trường sinh thái biển được trở về trạng thái cân bằng vốn có, sự xuất hiện và ở lại lâu của đàn cá lần này là sự minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng cư dân và các cơ quan quản lý trong việc gìn giữ tài nguyên và môi trường biển.

2 mẹ con cá voi trở lại vùng biển Đề Gi sau 3 ngày vắng bóng.

PHẠM HUY TRUNG

Theo nghiên cứu của Tổ chức Sinh vật biển Marine Life Vietnam, hai mẹ con cá voi đang làm xôn xao dư luận những ngày qua tại Bình Định là loài cá voi Bryde. Những con cá voi này thuộc loài quý hiếm, chỉ được tìm thấy vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sự xuất hiện của cá voi gần bờ tại Việt Nam là điều rất đáng mừng, tuy nhiên nếu chúng cảm thấy không an toàn thì sẽ sớm di cư đến vùng biển khác để sinh sống.

Cá voi Bryde (Balaenoptera edeni) có thể được tìm thấy ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nhưng chúng thường được tìm thấy nhiều nhất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cá voi Bryde sống ở vùng nước ấm, với nhiệt độ dao động từ 15 đến 20 độ C. Chúng là loài cá voi nhỏ, thuộc họ Balaenopteridae, con đực có kích thước từ 12 đến 13 m, trong khi con cái lớn hơn một chút, từ 13 đến 14 m. Cả hai giới đều nặng từ 13,6 tấn đến 15 tấn. Cơ thể của chúng có màu xám khói sẫm ở trên, sau đó khuếch tán thành màu trắng ở dưới. Đầu của chúng chiếm 25% cơ thể và có 3 gờ trên đỉnh chạy từ đầu mõm đến trước lỗ thở. Cá voi Bryde nằm trong danh sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa cần được bảo vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.