Hai người được thấy lại ánh sáng từ giác mạc người hiến chết não

31/01/2024 19:46 GMT+7

Sau nhiều năm thị lực giảm sút gần như không nhìn được, nam bệnh nhân 69 tuổi đã thấy lại ánh sáng, nhờ ghép giác mạc từ người hiến chết não.

Các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bệnh viện 108) mới đây đã thực hiện thành công hai ca ghép giác mạc mang lại ánh sáng cho 2 nam bệnh nhân.

Hai người được thấy lại ánh sáng từ giác mạc người hiến chết não- Ảnh 1.

Hồi phục thị lực sau ghép giác mạc từ người hiến chết não, 2 nam bệnh nhân đã viết thư tay gửi lời cảm ơn các bác sĩ và gia đình người hiến giác mạc

AN NGỌC

Trong đó, bệnh nhân B. (51 tuổi ở Nghệ An) bị chấn thương mắt trái cách đây 33 năm để lại sẹo dày vùng trung tâm giác mạc kèm theo đục thể thủy tinh, thị lực rất kém.

Trường hợp khác là bệnh nhân H. (69 tuổi, ở Phú Thọ) bị viêm giác mạc nội mô từ nhiều năm nay, đã điều trị thuốc nhiều đợt không khỏi. Trong thời gian dài, mắt trái nhìn rất mờ, thường xuyên bị sưng đỏ, cộm, nhức, chảy nước mắt nhiều.

Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện 108 chẩn đoán bị bệnh giác mạc bọng, đục thể thủy tinh, có chỉ định ghép giác mạc.

Ngày thứ 4 sau phẫu thuật, các mảnh ghép đã trong, thị lực sau chỉnh kính đã đạt được 2/10 và cả 2 người bệnh được ra viện sau ghép giác mạc ngày thứ 5.

Người hiến giác mạc cho 2 bệnh nhân trên là nam giới (34 tuổi, ở Phú Thọ) bị chết não do tai nạn giao thông. Được tư vấn, gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng và giác mạc sau khi bệnh nhân qua đời, giúp cứu sống nhiều cuộc đời khác và mang lại ánh sáng cho người mất thị lực.

Ghép giác mạc kết hợp phẫu thuật thể thủy tinh

Hai người được thấy lại ánh sáng từ giác mạc người hiến chết não- Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện 108 ghép giác mạc từ người hiến chết não cho nam bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc

AN NGỌC

TS Nguyễn Thế Hồng, bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện 108, người trực tiếp phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân, cho biết đây là các ca ghép giác mạc phức tạp hơn so với thông thường vì phải phẫu thuật ghép giác mạc kết hợp với lấy thể thủy tinh đục, đặt thể thủy tinh nhân tạo.

Tại Việt Nam, không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được thành công kỹ thuật tương tự.

Theo TS Hồng, ghép giác mạc có tỷ lệ thải ghép thấp và quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp và tốn kém như ghép các tạng khác. Đặc biệt, quá trình phục hồi khá nhanh, chỉ sau ghép khoảng 1 tuần là người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng.

Sau khi ra viện, người được ghép giác mạc sẽ tái khám định kỳ.

Bệnh nhân cần phải đến khám lại ngay nếu mắt đau nhức, đỏ mắt, thị lực giảm… vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng, tăng nhãn áp hoặc phản ứng thải mảnh ghép, nếu không điều trị kịp thời có thể gây hỏng mảnh ghép.

Bệnh viện 108 triển khai ghép giác mạc từ nhiều năm nay, đã ghép thành công cho hơn 30 bệnh nhân. Gần đây đã thực hiện được trên những bệnh nhân khó, có các bệnh lý kết hợp.

Nhu cầu ghép giác mạc ở Việt Nam rất lớn, nhưng nguồn giác mạc hiến rất khan hiếm, do những yếu tố tâm lý, văn hóa, pháp lý…

Với tinh thần "cho đi là còn mãi", mỗi người chúng ta cần hiểu và ủng hộ việc hiến mô tạng sau khi mất đi, như là một nghĩa cả cao đẹp, đem lại sự sống, ánh sáng cho nhiều người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.