Sử dụng “cây kéo sinh học” sắc bén này, giới nghiên cứu giờ đây đã có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao, theo trang nobelprize.org.
Công nghệ này mang tính cách mạng đối với khoa học đời sống, góp phần vào phát triển những liệu pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa khỏi những bệnh di truyền thành hiện thực.
Bà Charpentier (52 tuổi) và bà Doudna (56 tuổi) là những phụ nữ thứ 6 và thứ 7 nhận được giải Nobel Hóa học.
Trong quá trình nghiên cứu vi khuẩn có hại phổ biến Streptococcus, hai nhà khoa học trên phát hiện ra một phân tử chưa từng được biết đến trước đây (vốn là một phần trong hệ miễn dịch cổ đại của vi khuẩn) có chức năng "tước vũ khí" của vi rút bằng cách cắt các phần DNA của chúng. Đó chính là “chiếc kéo di truyền” và nó có thể được sử dụng để tạo những vết rạch chính xác trên vật liệu di truyền.
Năm 2011, sau khi công bố nghiên cứu của riêng mình, bà Charpentier hợp tác với bà Doudna để tái tạo “chiếc kéo di truyền” của vi khuẩn, đơn giản hóa công cụ để dễ sử dụng cho các vật liệu di truyền khác.
Sau đó, họ "tái lập trình" chiếc kéo để nó có thể cắt bất kỳ phân tử DNA nào tại một vị trí định trước, qua đó mở đường cho giới khoa học "viết lại" cấu trúc ngay tại vị trí vừa cắt.
Một ngày trước đó, giải Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho bộ ba nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) vì đã thúc đẩy sự hiểu biết của nhân loại về trong những hiện tượng bí ẩn của vũ trụ là hố đen
Còn Nobel Y sinh hôm 5.10 đã về tay bộ ba nhà khoa học Harvey Alter và Charles Rice (người Mỹ), và Michael Houghton (người Anh) cho khám phá về viêm gan siêu vi C, bắt nguồn từ một dạng virus lây qua đường máu.
Năm nay, nhà tổ chức giải Nobel thông báo tăng mức thưởng cho những người đoạt giải trong năm 2020 nhờ tình hình tài chính ổn định, từ 9 lên 10 triệu crown Thụy Điển (hơn 26 tỉ đồng).
Sau Nobel Y sinh, Vật lý và Hóa học, các giải Nobel còn lại là Văn chương, Hòa bình và Kinh tế.
Thông thường, Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf sẽ trao giải thưởng tại một buổi lễ trang trọng ở thủ đô Stockholm vào ngày 10.12, kỷ niệm ngày mất (năm 1896) của nhà khoa học Alfred Nobel, người đã để lại di chúc tạo ra giải thưởng này.
Tuy nhiên, buổi lễ trao giải trực tiếp đã bị hủy bỏ trong năm nay vì đại dịch Covid-19 và được thay thế bằng một buổi lễ được truyền hình trực tiếp cho thấy những người đoạt giải nhận giải thưởng tại quê nhà.
Bình luận (0)