Bật tivi lên là... cười
Không khó nhận ra những năm gần đây, khi các chương trình về ca hát, thời trang... giảm dần sức hút bởi tài năng không kịp "nảy mầm" cũng như sự xuất hiện dày đặc của các cuộc thi thì gameshow, chương trình hài hoặc mang yếu tố hài hước bắt đầu lấn lướt.
Bật tivi lên, khán giả đã có thể... cười suốt ngày, cười cả tuần với hàng loạt chương trình như: Ơn giời cậu đây rồi, Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt, Siêu hài nhí, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Làng hài mở hội, Cặp đôi hài hước… Thế nhưng, chưa nói đến việc khán giả "bội thực" vì quá nhiều chương trình thì điều đáng nói hơn là nội dung một số chương trình dần trở nên hời hợt, dễ dãi.
"Bây giờ thì không cười nổi nữa rồi. Nhiều chương trình khi mới ra mắt cả nhà tôi đều xem không sót tập nào nhưng các mùa sau thì hết cười nổi. Hết cái để chọc cười thì diễn viên nói bậy, thậm chí đè ra hôn để ''chọc lét'' khán giả. Thật tiếc!", khán giả Vi Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.
Mới đây nhất, việc thí sinh Tấn Lợi trong chương trình Thách thức danh hài chỉ với một kịch bản - chính xác hơn là một câu chuyện nhạt nhẽo - lại vượt qua nhiều vòng và giành giải thưởng cao nhất. Hàng trăm bình luận trên fanpage của chương trình trút hết sự phẫn nộ lên Trấn Thành, người đã nở nụ cười trị giá 150 triệu đồng này.
|
Thế nhưng, sự dễ dãi đâu chỉ riêng Trấn Thành? Rất nhiều chương trình hài trên sóng truyền hình hiện nay cũng chung những công thức cũ mèm: giả gái, đốp chát nhau trên sân khấu, "chọc lét" khán giả bằng những câu thoại tục tĩu, rồi những chuyện đồng tính, giường chiếu... cũng dần được lôi hết lên sóng truyền hình để mua vui.
Những người được gọi là "danh hài" (danh xưng còn nhiều tranh cãi) như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang... gần như nhẵn mặt trên truyền hình vì xuất hiện trong hầu hết các chương trình hài, thậm chí có khi các chương trình với sự xuất hiện của các nghệ sĩ này phát cùng một lúc khiến hình ảnh của họ phủ sóng dày đặc. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng dấu ấn của những danh hài này ở đâu trong các chương trình này thì thật khó để trả lời.
Khán giả không thích thì sao nghệ sĩ lại diễn?
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi gặp gỡ khá nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực hài. Dĩ nhiên, chủ đề hài nhảm, hài tục chẳng mới mẻ gì bởi nó đã tồn tại nhiều năm qua và không phải nghệ sĩ không nhận ra. Tuy nhiên, guồng quay showbiz, khát khao được nổi tiếng, được tung hô hay trần trụi hơn là áp lực cơm áo gạo tiền cũng có thể trở thành lý do để người làm nghề trở nên dễ dãi hơn với cái nghề của mình.
Thế nhưng, họ cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng nếu khán giả không thích, nhà sản xuất không phải chạy theo rating thì làm sao hài nhảm lại có đất sống? Cũng như khi ca sĩ Long Nhật được hỏi rằng anh giả gái hoài trên sóng truyền hình có sợ bị khán giả quay lưng, nam ca sĩ thẳng thắn: "Lúc nào chán, tôi sẽ không làm nữa nhưng hiện giờ khán giả đang thích, nhà sản xuất yêu cầu, cát sê trả cũng được thì tôi cứ làm, kiếm tiền nuôi con. Giờ cứ hễ có show giả gái là họ lại mời Long Nhật".
|
Tuy nhiên, làm sao đổ lỗi hết cho khán giả khi nghệ thuật sinh ra vốn đã mang chức năng giáo dục và nghệ sĩ cũng góp phần phần không nhỏ trong việc định hướng khán giả. Nói theo nghệ sĩ hài Minh Nhí thì: "Một phần cũng tại nghệ sĩ "tập" cho khán giả cười những cái xàm xí".
Mới đây, câu chuyện nghệ sĩ Việt Hương giễu cợt thô tục trên sân khấu trong tiệc cưới của ca sĩ Đình Bảo cũng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Điều đáng nói là người phản ứng mạnh mẽ nhất lại chính là người trong nghề.
Trong lá thư gửi riêng cho Việt Hương đăng trên trang cá nhân, ca sĩ Hương Lan viết: "Sân khấu cho dù lớn hay nhỏ, từ rạp lớn cho đến sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng… hay bất cứ nơi đâu thì vẫn luôn là sân khấu. Em đứng trên sân khấu cầm micro thì em là người biểu diễn, chị ngồi ở dưới xem thì chị là khán giả của em. Là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu trăm đường khó khăn, nếu yêu nghề thì hãy vì tất cả mọi người bên dưới đang chăm chú nhìn lên và lắng nghe em. Những gì em nói, em làm đều tác động đến mọi người bên dưới, từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ. Đừng nói tục. Sự thô tục trong văn hóa người Việt mình từ xưa đến nay đã luôn là lời khinh rẻ, cho cả người nghe lẫn người nói".
|
Sự gay gắt của Hương Lan, có người ủng hộ, cũng có người phản đối, nhưng giữa lúc hài nhảm, hài tục đang bị khán giả lên án thì câu chuyện của nghệ sĩ hài Việt Hương dẫu chưa biết đúng sai ra sao cũng là lời cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ hài. Không chỉ trên sân khấu mà trên truyền hình hay ngoài đời thực, tiếng cười mà nghệ sĩ mang đến cho khán giả cũng cần phải có chừng mực.
Hồi năm ngoái, khi vở Tô Ánh Nguyệt Remix lan truyền trên mạng, gây nhiều tranh cãi, Trấn Thành đã lên tiếng xin lỗi người mộ điệu cải lương. Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Trấn Thành với số tiền phạt tổng cộng là 32,5 triệu đồng được công chúng hoan nghênh.
Nghệ sĩ hài Xuân Hương cũng từng nhiều lần lên tiếng về sự dễ dãi trong nghề nghiệp của một số nghệ sĩ, sự nở rộ của các chương trình hài trên sóng truyền hình nhưng lại không biết phục vụ cho khán giả điều gì... Tất cả đã tạo thành sự bát nháo như hiện nay mà ngay chính các nghệ sĩ cũng đã đến lúc phải lên tiếng...
Nhà sản xuất Cười xuyên Việt: "Áp lực rating là có thật!"
Là nhà sản xuất thành công với loạt chương trình Cười xuyên Việt, Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ..., NSƯT - Đạo diễn Vũ Thành Vinh thừa nhận áp lực rating là có thật. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng "câu kéo" khán giả bằng mọi giá.
"Cách đây nhiều năm, tôi từng đề cập đến chuyện làm hài mà không kiểm soát, đến một lúc nào đó khán giả sẽ quay lưng lại. Và bây giờ thì tôi có cảm giác hài thật sự đang mất kiểm soát, dẫn đến việc khán giả phản ứng", đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ.
Theo anh, áp lực rating là có thật nhưng điều đầu tiên mà nhà sản xuất cần chú trọng là tăng cường chất lượng thí sinh, đầu tư cho kịch bản, dàn dựng, quảng bá... Trong từng tiết mục, phải định hướng cho thí sinh những nội dung đúng đắn gửi đến khán giả.
"Đôi khi các em tạo tình huống gây chú ý nhưng về tổng thể, chúng tôi vẫn phải định hướng cho các em, nhất là về chất lượng. Trong tình hình các chương trình hài "mọc lên như nấm", khán giả sẽ dễ nhàm chán nên nhiều nơi phải tìm cách thu hút khán giả là dĩ nhiên. Tuy vậy, phải định hướng cho thí sinh bởi trên mảnh đất màu mỡ này, nhiều bạn chạy theo mà không biết thế nào là hài, chỉ biết lên sân khấu nói vài ba câu chọc đùa...", đạo diễn Vũ Thành Vinh cho biết.
Anh cũng nói thêm: "Hài nhảm bây giờ không chỉ có trên truyền hình mà còn ở sân khấu, trong những buổi tiệc... Vì thế, nghệ sĩ cũng cần phải lắng nghe, phải ý thức được những ranh giới và không nên đi quá giới hạn".
Trước những luồng ý kiến của dư luận về việc hài nhảm, hài tục tràn lan trên sóng truyền hình, đạo diễn Vũ Thành Vinh tiết lộ: "Dĩ nhiên, là nhà sản xuất, chúng tôi phải lắng nghe khán giả. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ hạn chế làm hài vì có cảm giác hài đã bão hòa. Một khi cái gì quá nhiều, khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán và khắc khe hơn. Chúng tôi sẽ cho dừng chương trình Tiếu lâm hội vì chất lượng thí sinh không đủ nhưng vẫn giữ lại Cười xuyên Việt và Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ đồng thời chú trọng hơn ở khâu tuyển chọn thí sinh, đầu tư kịch bản và dàn dựng".
|
Với chuyên đề Hài nhảm, hài tục "chiếm sóng", Thanh Niên rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ, khán giả, đặc biệt là những người đã và đang làm công việc mang tiếng cười cho đời.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu ý kiến của nghệ sĩ hài Minh Nhí, người đã có hơn 20 năm trong nghề và là thầy của nhiều học trò nổi tiếng như Thúy Nga, Việt Hương, Hạnh Thúy, Ngọc Trinh, Tiết Cương, Quốc Thuận... về vấn đề này.
|
Bình luận (0)