(TNO) Một người Bangladesh được cho thuộc đường dây buôn người Rohingya bị bắn chết trong cuộc đụng độ giữa 2 băng nhóm buôn người, cảnh sát nước này cho hay. Tuy nhiên, người tại trại tị nạn cho rằng đây người này bị cảnh sát bắn chết trong lúc tạm giam.
Một cảnh sát Bangladesh tuần tra ở khu vực biên giới - Ảnh: AFP
|
AFP ngày 8.6 dẫn nguồn tin từ cảnh sát Bangladesh cho biết 2 băng nhóm đấu súng với nhau vào sáng 8.6 ở vùng Teknaf, gần biên giới Bangladesh với Myanmar. Khu vực này có 32.000 người Rohingya tị nạn đang sinh sống trong 2 khu trại cùng với 200.000 - 300.000 người Rohingya khác không có giấy tờ, theo AFP. Teknaf cũng được xem là điểm tập trung của các nhóm buôn người.
Người bị bắn chết được cho tên là Amanullah, 30 tuổi. “Anh ta bị truy tố ít nhất 3 tội liên quan đến buôn người và tên của anh ta nằm trong danh sách truy nã của Bộ Nội vụ”, Cảnh sát trưởng vùng Teknaf, ông Ataur Rahman nói với AFP.
Không rõ vụ đấu súng diễn ra như thế nào giữa những nhóm buôn người. Trong khi đó, những người trong trại tị nạn của dân Rohingya kể một câu chuyện khác. Một lãnh đạo trong nhóm người tị nạn ở trại Nayapara nói Amanullah là người trong trại của ông và bị cảnh sát bắn chết trong lúc bị tạm giam. “Cảnh sát đã bắt anh ta vào lúc 16 giờ ngày 7.6 và sáng 8.6, họ bắn anh ta”, trưởng trại nói với phóng viên AFP.
Cách đây vài tuần, cũng tại Teknaf, giữa cảnh sát và những nhóm người tình nghi đã xảy ra một trận đấu súng. Cảnh sát Bangladesh đã bắn chết 5 đối tượng bị nghi là những kẻ buôn người.
Người dân ở đây nói rằng những vụ đấu súng chỉ là màn kịch cảnh sát tạo ra để xử những kẻ “tội phạm” và lấy lý do là tự vệ, AFP cho hay. Tuy nhiên, cảnh sát từ chối đưa ra bình luận về những cáo buộc này từ dân địa phương.
Hàng năm, hàng người tị nạn kinh tế từ Bangladesh và người Rohingya Hồi giáo từ Myanmar vượt biên trên những chiếc thuyền do những nhóm buôn người tổ chức để đến Malaysia và Thái Lan. Vụ việc trở thành sự kiện khiến cả thế giới quan tâm sau khi hàng ngàn người bị cảnh sát Thái Lan và Malaysia phát hiện trong các trại tị nạn bất hợp pháp nằm ở khu vực biên giới của 2 nước; kế tiếp là hàng ngàn người Rohingya khác lênh đênh ngoài khơi bờ biển. Tính mạng của họ bị đe dọa bởi những kẻ đã tổ chức đưa họ vượt biên.
Bình luận (0)