Hai nhóm thách thức an ninh phi truyền thống đối với Việt Nam

24/11/2021 07:47 GMT+7

Bộ Ngoại giao ngày 23.11 đã tổ chức Phiên thảo luận “Đối ngoại đa phương: Tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống”.

Phiên thảo luận là dịp để Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành cùng nhìn nhận, đánh giá công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất định hướng triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang phát biểu khai mạc

Đậu Tiến đạt

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, lưu ý phương thức truyền thống đe dọa an ninh nước khác chủ yếu là thông qua hình thức đưa quân đội sang biên giới hoặc bắn tên lửa và chủ thể thực hiện những hành động ấy là nhà nước.

“Như vậy, những hành vi đe dọa tới an ninh quốc gia mà không có tính chất quân sự và do chủ thể khác nhà nước thực hiện được coi là phi truyền thống”, ông Quý nói.

Dựa trên lợi ích và khả năng tham gia của Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý chia các thách thức an ninh phi truyền thống mà Việt Nam phải đối diện thành hai nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 bao gồm những thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam như an ninh lãnh thổ, an ninh chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, an ninh con người. Còn nhóm 2 tác động gián tiếp tới Việt Nam mà phải tham gia đối ngoại đa phương mới có thể giải quyết được.

Ông Quý dự đoán sẽ có 2 nhóm đe dọa an ninh phi truyền thống trong 5 - 10 năm tới. Trong đó, nhóm 1: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, an ninh thông tin, an ninh biển, an ninh khí hậu. Nhóm 2: an ninh khí hậu, an ninh biển, an ninh mạng, an ninh lương thực.

Đại sứ Việt Nam tại các nước tham gia hội nghị thông qua hình thức trực tuyến

đậu tiến đạt

Đánh giá về những thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho rằng, các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang ngày càng nổi lên gay gắt trên toàn cầu, tác động sâu sắc đến môi trường phát triển, an ninh của đất nước.

Sau hơn 3 tiếng thảo luận sôi nổi, cuộc họp đã thống nhất một số biện pháp lớn để thúc đẩy công tác đối ngoại đa phương nói chung và trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Từ đó, ông Quý nhấn mạnh: “Cách chơi của các nước lớn là song phương khi có thể, đa phương khi cần thiết. Với Việt Nam và các nước nhỏ, ngoại giao đa phương rất quan trọng, nhưng với nước lớn, chỉ khi nào cần thiết mới ngoại giao đa phương, hoặc chỉ khi cách tiếp cận đa phương tiết kiệm chi phí hơn và có lợi ích hơn cách tiếp cận song phương”.

Hướng tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá thời gian qua, công tác đối ngoại đa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, có nhiều đóng góp chủ động, tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực lớn như APEC, ASEM... ứng cử thành công vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc, đồng thời đang tích cực ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.