Hai nửa của Olivier Tessier

02/09/2012 03:25 GMT+7

Một trong những chủ nhân của giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay - TS nhân học người Pháp Olivier Tessier (O.Tessier) mang trong mình hai nửa về Hà Nội. Phần với kiến trúc kinh thành, phần với am hiểu đời sống và kỹ thuật của người dân trong một làng quê đồng bằng…

Khi hỏi về ông, O.Tessier khẽ nhún vai và tỏ ra khá lúng túng, để rồi từ chối nói về mình. Nhưng ông lại rất linh hoạt nếu được hỏi về Hoàng thành Thăng Long... Không chỉ nói, những con số và dấu mốc lịch sử sẽ cụ thể hơn nhiều nhờ minh họa bằng tư liệu ảnh và bản đồ. Những tư liệu ảnh và bản đồ cổ về Hà Nội cũng chính là lý do ông được đề cử và nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái. “TS O.Tessier là một trường hợp đặc biệt. Ông không có tên trong những đề xuất ban đầu. Nhưng thành viên hội đồng giải thưởng - GS Phan Huy Lê đã giới thiệu ông để rồi ngay lập tức được sự đồng thuận”, nguồn tin từ Báo Thể thao & Văn hóa - đơn vị tổ chức giải thưởng cho biết.

 TS O.Tessier nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái
TS O.Tessier nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái

Còn GS Phan Huy Lê nói: “Trong bộ sưu tập ảnh của O.Tessier có một bức ảnh tìm được ở Paris về thành Hà Nội thời kỳ còn đề là thành Thăng Long, tức là trước khi đổi thành tên thành Hà Nội. Đó có thể nói là bản đồ sớm nhất của Hà Nội, bởi bản đồ sớm nhất mà chúng ta có hiện nay phải đến 1831, thời điểm Thăng Long đổi tên thành Hà Nội mới có. Bản đồ của O.Tessier công bố còn có từ trước đó. Ở Pháp hiện nay có hai bản đồ cổ nhất về Hà Nội. Một cái không xác định được về năm. Cái thứ 2 chính là cái anh Olivier tìm ra”.

 Cột cờ Hà Nội năm 1954
Cột cờ Hà Nội năm 1954

Trong một bức ảnh panorama O.Tessier yêu thích, Hoàng thành của thế kỷ thứ 19 hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết. “Tôi có tất cả Hoàng thành ở đây. Cấm thành. Cột cờ. Đoan môn. Kính thiên. Bức ảnh này được chụp từ cửa Đông. Nhìn khu vực này mà xem, nó có người dân sinh sống. Người bán hàng đấy, nó còn hơi nông thôn một tí, hơi nhà quê một tí. Nó vẫn là làng, khác hẳn với suy nghĩ của phương Tây và trong phim Trung Quốc về Hoàng thành, cấm thành”, O.Tessier hào hứng.

 Cột cờ Hà Nội năm 1888
Cột cờ Hà Nội năm 1888

Cũng chính vì những thú vị không ngờ về đời sống thị dân mà vẫn làng như vậy, O.Tessier đã cùng TS Phillipe Le Failler sưu tập và chỉnh lý, xuất bản cuốn Kỹ thuật người An Nam của Henri Oger. Cuốn sách như một bức tranh kinh thành với quá nhiều nghề thủ công, mà sau này sẽ trở thành linh hồn của các phố nghề rồi hợp thành Hà Nội 36 phố phường. Hà Nội không chỉ là nhà, là thành, nó đã có thêm người đi lại trong bức tranh mà O.Tessier cùng đồng nghiệp sưu tập để nghiên cứu tái hiện.

 Thềm rồng lên điện Kính Thiên 1886
Thềm rồng lên điện Kính Thiên 1886

 Hoàng thành năm 1888 - Ảnh do TS O.Tessier và báo Thể thao & Văn hóa cung cấp
Hoàng thành năm 1888 - Ảnh do TS O.Tessier và báo Thể thao & Văn hóa cung cấp

O.Tessier đã không còn là một khách du lịch lần đầu đến và yêu mến Hà Nội của năm 1993 nữa. Hà Nội của ông giờ trải dài tới mấy thế kỷ, trong đó có cả những ngày tháng người Pháp đánh chiếm Hà Nội và phá điện Kính Thiên - một điện Kính Thiên với nhiều chi tiết cầu kỳ hơn thời kỳ đơn sơ của năm 1833 trong tư liệu mà ông có. Hiểu biết cũng đủ để ông thấm thía hơn tầm vóc của di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trinh Nguyên

>> Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
>> Phục dựng điện Kính Thiên: Sẽ dời nhà Cục tác chiến?
>> Khởi động phục dựng điện Kính Thiên
>> Dấu tích điện Kính Thiên thời Lê sơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.