Thân thiện và yêu trẻ con, đó là cảm nhận chung của người dân và du khách khi họ gặp hai ông David Atkinson và Alan Row (quốc tịch Úc) dọc công viên Biển Đông (TP.Đà Nẵng).
Hai ông David Atkinson (ngồi), Alan Row (đứng) và lớp học tiếng Anh “tự phát” ở công viên Biển Đông (Đà Nẵng) - Ảnh: An Dy
|
Hình ảnh một đám trẻ con miền biển vây quanh hai ông Tây cao lớn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi, yên bình. Khi ông David cầm trên tay những bức tranh về động vật và dạy cho những đứa trẻ đọc bằng tiếng Anh thì ông Alan đi quanh chúng, lắng nghe từng bạn phát âm và chỉnh sửa, khuyến khích chúng mạnh dạn hơn.
Có một điều đặc biệt ở lớp học tiếng Anh “tự phát” của hai ông Tây đó là trẻ em sẽ được học những từ vựng, chủ đề liên quan đến động vật và bảo vệ động vật, học về những hành vi tích cực khi ứng xử với môi trường.
Cùng chọn Đà Nẵng làm điểm dừng nghỉ cuối cùng cho một hành trình dài của đời người, cả hai ông đều muốn làm một điều gì đó thực sự có ích cho nơi mình sống.
“Trong thời gian ở đây, tôi thấy trẻ em rất có ý thức đối với các vấn đề bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường sống, tuy nhiên, để sẵn sàng hành động thì chưa. Cụ thể, khi thấy một cá thể khỉ quý hiếm bị nhốt trong lồng, với sợi xích xiết chặt ở cổ, các em đã thể hiện thái độ bất bình với bố mẹ và những người xung quanh, tuy nhiên, để cứu chúng thì không biết làm cách nào”, David tâm sự.
Và bài học sinh động mà hai ông Tây này dành cho những học trò nhỏ của mình, chính là việc các ông tích cực liên hệ với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Đà Nẵng), phối hợp cùng cơ quan chức năng thuyết phục và giải cứu chú khỉ. Sau đó các ông lại liên hệ với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tiếp nhận cá thể khỉ này và trả về lại rừng.
“Tình yêu thương dành cho động vật thôi không đủ, phải luôn hành động vì chúng. Đó là ngăn chặn tình trạng bạo hành súc vật, tiêu thụ động vật hoang dã, kêu gọi và tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường biển, môi trường sống xanh, sạch, đẹp đến mỗi người dân”, ông Alan Row khẳng định.
Cứ như vậy, hai ông Tây khuyến khích những đứa trẻ miền biển thể hiện ý tưởng, suy nghĩ và cách hành động lên trang giấy, bằng tranh ảnh. Những bức tranh cổ động ngộ nghĩnh được vẽ để tuyên truyền bảo vệ vọoc chà vá chân nâu trên núi Sơn Trà, những bảng cấm săn bắt động vật, cấm xả rác nơi công cộng… cũng được thể hiện đầy cá tính qua nét vẽ non nớt của các em. Từ thông điệp ở những bức tranh, David cũng khuyến khích trẻ dùng tiếng Anh để thuyết trình và đề xuất những khẩu hiệu tuyên truyền liên quan.
“Học tiếng Anh với hai ông rất vui. Có thể tự do học và hỏi những điều mình muốn. Không chỉ dạy tiếng Anh về động vật, về môi trường, hai ông còn dạy bơi, dạy sử dụng ván trượt, dạy kỹ năng… nói chung đây là lớp học mở thực sự thú vị”, Thúy Vi (14 tuổi, sống tại Đà Nẵng) cho biết.
Từ sự thân thiện và nhiệt tình của hai ông Tây, những người dân biển ở Đà Nẵng đã tập hợp những đứa trẻ từ 6-15 tuổi, tổ chức lớp học “dã chiến” và mời hai ông đảm nhiệm. Học phí chỉ mang tính tượng trưng, và được hội phụ huynh dùng để trang trải những chi phí về bút vẽ, giấy vẽ, chi phí ăn uống cho các em trong những chuyến dã ngoại lên rừng xuống biển…
Bình luận (0)