Hải Phòng: Sạt lở bờ kè hồ chứa nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà

03/04/2023 20:25 GMT+7

Mưa lớn được cho là đã gây sạt lở bờ kè hồ chứa nước ngọt Trân Châu - hồ chứa nước lớn nhất và có ý nghĩa sống còn đối với người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại đảo Cát Bà (H.Cát Hải. TP.Hải Phòng).

Hồ nước ngọt Trân Châu có dung tích 295.000 m3 là hồ chứa nước lớn nhất trong 5 hồ chứa nước có nhiệm vụ cung cấp nhu cầu thiết yếu về nước sinh hoạt cho người dân các xã đảo Cát Bà của huyện đảo Cát Hải (TP.Hải Phòng) cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ngoài đảo.

10 điểm bờ kè bị sạt lở

Hồ Trân Châu thuộc địa bàn xã Trân Châu, H.Cát Hải được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi. Những ngày này, mực nước trong hồ hạ xuống còn một nửa, để lộ ra các điểm bờ kè bị hư hỏng. Theo ghi nhận của Thanh Niên, có đến tổng cộng 10 điểm bờ kè bị sạt lở.

Hải Phòng: Sạt lở bờ kè hồ chứa nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà - Ảnh 1.

Hồ chứa nước Trân Châu có tổng cộng có 10 điểm bờ kè bị sạt lở

GIANG LINH

Phó chủ tịch UBND H.Cát Hải - ông Hoàng Trung Cường, cho biết đây là công trình trữ và cấp nước ngọt quan trọng cho huyện đảo, được vận hành bởi Công ty TNHH MTV cấp nước Hải Phòng.

"Vừa qua huyện cũng đã họp bàn với các bên liên quan để tìm giải pháp khắc phục. Nếu không được xử lý kịp thời, các điểm sạt sẽ mở rộng và ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như nguồn cung cấp nước ngọt", ông Cường nói.

Đại diện đơn vị chủ đầu tư Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Trân Châu, ông Bùi Quang Hoằng, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT TP.Hải Phòng, cho biết Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt tại các xã đảo Cát Bà, thuộc huyện đảo Cát Hải được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương.

Năm 2010, UBND TP.Hải Phòng giao cho Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng làm chủ đầu tư, triển khai thi công xây dựng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn cấp về nên 4 năm sau công trình hồ chứa nước ngọt Trân Châu cũng như các hồ Xuân Đám, Phù Long thi công dở dang, tạm dừng lại.

Đến đầu năm 2020, UBND TP.Hải Phòng bố trí vốn, giao dự án lại cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT TP.Hải Phòng làm chủ đầu tư, tái khởi động xây dựng.

Tháng 2.2021 công trình hồ Trân Châu hoàn thành và bàn giao cho UBND H.Cát Hải. Sau đó, UBND H.Cát Hải lại bàn giao cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng khai thác và vận hành.

Lý giải về bờ kè hồ nước Trân Châu bị sạt lở tổng cộng 10 điểm quanh hồ, nguy cơ làm thẩm thấu nước ngọt, theo ông Hoằng, nguyên nhân là do trận mưa lớn kéo dài vào thời điểm tháng 8.2022, gây ngập lụt trên diện rộng. Tại Cát Bà, lượng mưa lớn khiến nước từ trên các núi đá vôi bao quanh hồ Trân Châu đổ xuống, xối như thác, gây hỏng bờ kè.

Hải Phòng: Sạt lở bờ kè hồ chứa nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà - Ảnh 2.

Bờ kè bị sạt lở nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ thẩm thấu, thất thoát nước ngọt

GIANG LINH

Hiện, thời hạn bảo hành công trình hồ Trân Châu đã hết, để xin thành phố bố trí ngân sách sửa chữa khắc phục sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, ông Hoằng cho biết, các bên liên quan gồm: UBND H.Cát Hải, Công ty TNHH MTV cấp nước, nhà thầu thi công là Công ty xây dựng công trình thủy lợi Hải Phòng cùng Ban quản lý đã thống nhất chung tay bỏ kinh phí ra khắc phục.

Dự kiến kinh phí hết khoảng 200 - 300 triệu đồng và thời gian hoàn thành việc sửa chữa, kè lại các điểm bị sạt lở sẽ được hoàn thành trong tháng 4.2023.

Có hồ chứa nước ngọt lớn nhưng huyện đảo vẫn "khát" nước

Được biết, H.Cát Hải có 3 dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt tại 3 xã Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long và hệ thống công trình thủy lợi cung cấp nước ngọt cho người dân trên đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 3.4.2009, với tổng mức đầu tư là 752,482 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2010 – 2020.

Hải Phòng: Sạt lở bờ kè hồ chứa nước ngọt lớn nhất đảo Cát Bà - Ảnh 3.

Dù là hồ nước ngọt lớn nhất H.Cát Hải nhưng hồ Trân Châu cũng như 2 hồ còn lại trên huyện đảo vẫn không đảm bảo được nhu cầu về nước ngọt của người dân và du khách đến với huyện đảo này

GIANG LINH

Trong đó, hai dự án hồ nước ngọt Trân Châu và Xuân Đám được ngân sách Trung ương cấp 120,850 tỉ đồng, tương đương 19,5% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt theo Quyết định 439 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2014, không được bố trí nguồn vốn, dự án hồ nước Trân Châu thi công hoàn thành trên 85% khối lượng, các hạng mục công trình đầu mối thì dừng lại.

Đến năm 2020, để giải bài toán "khát" nước ngọt cho cơ các xã đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải cũng như thu hút khách du lịch, UBND TP.Hải Phòng đầu tư để hoàn thiện các hồ chứa nước ngọt, trong đó có hồ chứa nước Trân Châu.

Tuy nhiên, trước tình trạng lượng khách du lịch đổ về Cát Bà ngày một tăng, các hồ chứa nước ngọt cũng như nguồn nước suối trên đảo sẽ không đảm bảo lượng nước cung cấp nếu như thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài.

Được biết, để giải bài toán "khát" nước ngọt trên huyện đảo, UBND TP.Hải Phòng đang giao cho công ty cấp nước cũng như các sở ngành liên quan sớm tìm nguồn cung cấp nước bổ sung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.