Sau “giấc ngủ vùi” suốt mấy thập niên, Hải Phòng ngày nay đã bừng tỉnh giấc và vươn mình mạnh mẽ.
Không chỉ là thành phố Cảng lớn nhất của miền Bắc, Hải Phòng còn là một trong số ít những địa phương hội tụ tất cả các loại hình giao thông là: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không. Nhận thức được rõ tiềm năng dồi dào của Hải Phòng, từ rất sớm, đã có nhiều doanh nghiệp đến với nơi đây để tìm cơ hội khởi nghiệp, làm giàu. Nhưng suốt trong một thời gian rất dài, bao nhiêu doanh nghiệp tìm đến Hải Phòng thì cũng có chừng đó doanh nghiệp lại ngậm ngùi dứt áo đi khỏi nơi đây. Họ lắc đầu và chia sẻ với nhau những tâm sự đầy tiếc nuối: “Hải Phòng vẫn còn đang say ngủ lắm!”.
Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, Hải Phòng dường như đã bừng tỉnh và “lột xác”. Từ thành thị đến nông thôn của Hải Phòng đang mọc lên ngày càng nhiều những công trình nghìn tỉ làm thay đổi cả diện mạo của thành phố. Và chưa bao giờ địa phương này lại đạt được nhiều con số ấn tượng như lúc này.
|
Những con số lần đầu tiên xuất hiện sau 2 thập kỷ
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Hải Phòng đạt 4.277 USD/người, tăng 577 USD so với năm 2017. Tổng thu ngân sách năm 2018 là 24,768 tỉ đồng (năm 2016 là 17,030 tỉ đồng, năm 2017 là 21,909 tỉ đồng), vượt cả mục tiêu đại hội đặt ra là 20 nghìn tỉ đồng đến năm 2020. Ấn tượng hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 25,01%, cao hơn cả nước 10,1% và GRDP tổng sản phẩm xã hội của Hải Phòng đạt 16,25%, cao nhất từ trước tới nay đồng thời cao gấp 2,4 lần bình quân của cả nước.
Lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây, Hải Phòng là cái tên được xướng nhiều nhất ở top đầu của bảng xếp hạng cả nước về việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nguồn vốn FDI đổ vào Hải Phòng không ngừng tăng nhanh, chiếm 27,6% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Những dự án với mức đầu tư lên đến hàng tỉ USD giờ đây đã không còn xa lạ với Hải Phòng khi chỉ riêng 3 dự án của Tập đoàn LG đã có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỉ USD. Cùng với đó là một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng như: Regina Miracle International Việt Nam, Bridgestone, Nippro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox, GE, Công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam…
Bên cạnh thu hút vốn FDI, Hải Phòng “trải thảm đỏ” đến tận hàng rào các dự án để đón các nhà đầu tư “nội”, thu hút và thúc đẩy mạnh mẽ thành phần kinh tế tư nhân, đưa nguồn lực từ thành phần này tăng vượt bậc so với năm 2018, đạt hơn 75 nghìn tỉ đồng. Những thương hiệu lớn của Việt Nam như Vin Group, Sun Group đã bắt đầu “phủ sóng” đến Hải Phòng. Các tập đoàn lớn khác cũng không ngần ngại rót hàng nghìn tỉ đồng vốn vào Hải Phòng như: Tập đoàn BRG với dự án sân golf và khu biệt thự Đồ Sơn hơn 2.100 tỉ đồng; khách sạn 5 sao Hilton hơn 1.000 tỉ đồng; Công ty Nhật Hạ với khách sạn 5 sao Pullman 1.600 tỉ đồng… Thay vì hoang mang và ái ngại như trước kia, Hải Phòng giờ đang là điểm “phải đến - phải trở về và phải đầu tư” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
|
Định vị Hải Phòng là thành phố cảng toàn cầu
Những năm qua, nhận thấy cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, Hải Phòng đã huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, giúp cải thiện kết nối với các khu vực xung quanh.
Một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của miền Bắc và cả nước được đưa vào khai thác sử dụng đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố, điển hình như các dự án: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường nối thành phố Hạ Long - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…
Ngoài các dự án do Trung ương đầu tư, Hải Phòng cũng đầu tư nhiều công trình lớn từ ngân sách thành phố, như: khu bay Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường bao Tây Nam KCN Đình Vũ, các cầu vượt trên tuyến QL5, cầu Hoàng Văn Thụ, nút giao thông Nam cầu Bính, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tuyến đường trục chính đô thị…
Đầu năm nay, HĐND thành phố này đã họp và nhất trí chi hơn 6,2 nghìn tỉ đồng chỉ cho riêng giai đoạn 2019 - 2020 để đầu tư cho 11 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Cảng. Trong đó, không chỉ xây cầu kết nối giao thông của nội vùng Hải Phòng, thành phố này còn chủ động chi khoảng 1 nghìn tỉ đồng để xây những cây cầu kết nối giữa Hải Phòng và các tỉnh bạn Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Cụ thể là các dự án: cầu Quang Thanh, Cầu Dinh, cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cầu Nghìn…
Tương lai không xa, khi hoàn thành, hệ thống các cầu “vệ tinh” này sẽ góp phần định vị Hải Phòng trở thành cửa ngõ thương mại hàng hải chính của hành lang kinh tế ở khu vực phía bắc.
Trong báo cáo nghiên cứu xuất bản vào tháng 4 vừa qua với tựa đề “Hải Phòng - Tầm nhìn phát triển”, nhóm nghiên cứu JLL - tập đoàn bất động sản và quản lý đầu tư hàng đầu thế giới đã nhận định: "Hải Phòng hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để thực sự phát triển thành một thành phố cảng toàn cầu!”.
Báo cáo của JLL nhấn mạnh: Với việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống quản lý giao thông của thành phố, cải thiện đường sắt và đường thủy nội địa, tăng năng suất lao động, cải tiến và quản lý hiệu quả các thủ tục hành chính, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nắm bắt sự đổi mới và công nghệ, chúng tôi tin chắc rằng Hải Phòng sẽ là một thành phố có tầm nhìn phát triển, và sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tới.
|
Tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa khi người dân hưởng lợi
Với sự đổi thay ngoạn mục của thành phố, người dân Hải Phòng đã đi từ ngạc nhiên đến phấn khởi, tự hào. Giờ đây, trong mỗi câu chuyện hằng ngày, họ đã bắt đầu háo hức kể cho nhau nghe về những mối quan tâm riêng của mình.
|
Giới trẻ thì rỉ tai nhau về những công trình hiện đại của thành phố, là điểm “check-in” lý tưởng của họ. Đó là: phố đi bộ Tam Bạc, hồ Thiên Nga, trung tâm thương mại Vincom với tòa nhà cao nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, đường đôi ở H.Vĩnh Bảo với dải phân cách độc đáo là kênh nước, hay gần đây nhất là cầu cánh chim biển Hoàng Văn Thụ - cây cầu được coi là hiện đại nhất Việt Nam lúc này, và trong tương lai sẽ là một loạt các khu đô thị mới thông minh khác nữa.
Các bậc phụ huynh và cả ngành sư phạm thì phấn khởi trước chủ trương thành phố sẽ dùng ngân sách hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2020 -2021. Chính sách này sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thực hiện phương châm mọi người đều được hưởng thành quả phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau.
Từ năm 2018 đến nay, Hải Phòng đã dành 8,4 tỉ đồng để khen thưởng cho học sinh đạt giải cao và các giáo viên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; khen thưởng học sinh Hải Phòng đỗ thủ khoa, tốt nghiệp thủ khoa tại các trường đại học và học sinh thủ khoa của các trường đại học trên địa bàn Hải Phòng với mức thưởng cao nhất là 500 triệu đồng/ người.
|
Còn người nghèo thì vui mừng khi mạng lưới tín dụng cùng chính sách ưu đãi về lãi suất được bao phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn, tạo động lực khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, đem lại thu nhập ổn định. Năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia của thành phố chỉ còn 1,41% (giảm 0,65% so với năm 2017), đưa Hải Phòng vươn lên là một trong những địa phương có tỉ lệ giảm nghèo theo chuẩn đa chiều nhanh và bền vững nhất trong cả nước.
Trong khi đó, các gia đình chính sách và người có công với cách mạng đang thấy ấm áp hơn bởi sự quan tâm của thành phố trong những dịp tri ân đã tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm năm 2015. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Hải Phòng, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7.2019, toàn thành phố đã có trên 92 ngàn lượt người có công được nhận quà với tổng kinh phí 174,714 tỉ đồng, tăng 107,16% so với năm 2018.
Có thể nói, chưa bao giờ người dân Hải Phòng cảm nhận được rõ rệt sự đổi thay của Hải Phòng như lúc này. Bởi, mỗi sự đổi thay đó đã và đang từng ngày mang lại cho họ nhiều phúc lợi hơn, giúp họ hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn theo đúng triết lý phát triển mà thành phố này đang theo đuổi, đó là: Tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa khi dân là người được hưởng lợi.
Bình luận (0)