Hải Phòng: Xã buông lỏng quản lý, lập biên bản sai quy định, dân khiếu kiện kéo dài

25/06/2022 17:06 GMT+7

Chính quyền xã Tân Dương, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng không chỉ buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai mà còn bị người dân tố cáo lập khống hồ sơ gây thiệt hại quyền lợi của công dân

Xã bị tố cáo lập hồ sơ khống

Mới đây, Báo Thanh Niên nhận được đơn tố cáo của 9 hộ dân thuộc xóm Bến Bính B, xã Tân Dương, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng tố cáo hành vi cố tình lập khống hồ sơ trong lĩnh vực đất đai.

Khu vực Bến Binh B, nơi 9 hộ dân có đơn tố cáo sinh sống

Lê Tân

Những người bị tố cáo là ông Trần Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Dương; ông Đào Văn Tài Phó chủ tịch UBND xã Tân Dương và ông Nguyễn Văn Duy, công chức địa chính xã Tân Dương.

Theo đơn tố cáo của 9 hộ dân, khi TP.Hải Phòng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Bắc Sông Cấm (Dự án Bắc Sông Cấm) vào năm 2018, họ chưa nhận được một thông báo mời họp hay văn bản nào về việc lập phương án dự thảo, bồi thường hay tái định cư. Đến 8.2 vừa qua, UBND xã Tân Dương mới gửi thông báo cho 9 hộ dân tới họp với lý do các công trình trên đất họ đang ở được xây dựng sau khi có thông báo vào năm 2017 về việc thu hồi đất của UBND H.Thủy Nguyên để thực hiện Dự án Bắc Sông Cấm.

Ông Lê Văn Tĩnh (67 tuổi, một trong 9 người dân làm đơn) cho biết: "Bố mẹ tôi rồi đến tôi cùng các con đã sinh sống nhiều năm ở dải đất này. Đây là đất chúng tôi khai hoang, phục hóa, san lấp làm nhà, đầm nuôi thủy sản từ bãi bồi ven sông. Trước khi có dự án, chính quyền đâu có quan tâm, ngó ngàng tới. Đến khi có dự án, UBND xã lại cho rằng đất ở của chúng tôi là đất nông nghiệp (không phải đất trồng lúa). Đáng ghê gớm hơn, họ tự ý lập biên bản vi phạm hành chính kết luận chúng tôi chiếm đất nông nghiệp. Biên bản đó không được lập ở nhà chúng tôi, chúng tôi không hề biết, chứng kiến hay ký vào".

Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính mà người dân cho rằng UBND xã Tân Dương đã "lập khống hồ sơ", ngày 23.2, UBND H.Thủy Nguyên ra 9 Quyết định buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả yêu cầu các hộ dân tháo dỡ công trình trên đất được cho là đã chiếm.

Nhà ông Tĩnh không được giao đất tại định cư, trong khi đó, nhà bên cạnh đã được giao đất tái định cư có thu tiền

Lê Tân

Quyết định trên khiến người dân vô cùng bức xúc và làm đơn gửi đến nhiều cơ quan, trong đó có báo chí.

Theo điều tra của Thanh Niên, trong các biên bản vi phạm hành chính mà UBND xã Tân Dương đã lập và được ghi là lập vào các năm 2017, 2018, 2019, 2021 thì không biên bản nào có chữ ký người vi phạm.

Đặc biệt, ông Nguyễn Sinh Xuyên, Bí thư chi bộ thôn Bến Bính B, và ông Nguyễn Văn Định (đều ngụ ở thôn Bến Bính B), những người đứng tên trong biên bản là người làm chứng đã thừa nhận các biên bản trên đều lập ở UBND xã Tân Dương chứ không phải tại nhà các hộ vi phạm.

Thậm chí, ông Nguyễn Sinh Xuyên còn không biết biên bản ghi nội dung gì khi được yêu cầu ký tên vì không được đọc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Quang Chính, Chánh thanh tra H.Thủy Nguyên, cho biết: "Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân. Huyện đã lập tổ công tác để xác minh. Có thể khẳng định, các biên bản vi phạm vi phạm hành chính mà UBND xã Tân Dương lập là chưa đúng trình tự theo quy định của pháp luật. UBND H.Thủy Nguyên sẽ xem xét trách nhiệm những người liên quan để xử lý theo quy định".

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó trưởng Phòng TN-MT, UBND H.Thủy Nguyên, cho biết: "UBND H.Thủy Nguyên đã căn cứ vào biên bản vi phạm và hồ sơ do UBDN xã Tân Dương chuyển lên để ra các quyết định buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu đối với 9 hộ dân. Tuy nhiên, vào ngày 21.6, UBND H.Thủy Nguyên đã có quyết định hủy các quyết định trên và sẽ thẩm định, xem xét lại".

Cùng một dải đất, phương án giải tỏa khác nhau

Ngoài việc tố cáo UBND xã Tân Dương lập khống hồ sơ, 9 hộ dân trên cũng đề nghị UBND H.Thủy Nguyên xem xét, xác minh lại nguồn gốc đất của họ.

"Cả khu vực bến Bính này đều là đất khai hoang, phục hóa do dân tứ xứ về đây lập nên. Khi có dự án, hàng xóm ở cạnh tôi, những người ở cùng dải đất như tôi thì được bố trí đất tái định cư. Chúng tôi thì không. Đất đai, nhà cửa của chúng tôi không khác gì họ. Có người còn sát vách nhà tôi. Vậy tại sao tôi không được?", chị Trương Bích Hạnh vô cùng bức xúc.

Người dân cảm thấy có sự bất nhất, không công bằng trong việc xây dựng phương án bồi thường, thu hồi đất nên có khiếu kiện, điều này khiến Dự án Bắc Sông Cấm chậm tiến độ. Thậm chí, một nhánh cầu Hoàng Văn Thụ (đi xuống đúng khu vực Bến Bính), cây cầu đã được thông xe vào năm 2018, đến nay vẫn chưa xây dựng xong.

Ông Trịnh Quang Chính cho biết: "Mỗi hộ ở khu Bến Bính có đặc tính khác nhau, không hộ nào giống hộ nào. Có hộ được cấp đất tái định cư, có hộ được giao đất tái định cư có thu tiền, có hộ không. Điều đó phụ thuộc vào tính chất đất của họ. Theo hồ sơ, tài liệu thì trước năm 2018, toàn bộ khu vực 9 hộ dân là đất trống. Sau 2018 mới có công trình được xây dựng".

Người dân cảm thấy có sự bất nhất, không công bằng trong việc xây dựng phương án bồi thường, thu hồi đất nên có khiếu kiện

Lê Tân

Để làm rõ hơn và có đánh giá chính xác về nguồn gốc đất đai của 9 hộ dân làm đơn kiện với các hộ khác ở khu vực Bến Bính, UBND H.Thủy Nguyên cho biết sẽ tổng hợp và cung cấp số liệu tổng quan dự án, số hộ được cấp đất tái định cư, tính chất đất và trích đo do Sở TNMT lập vào năm 2017 về hiện trạng đất khu vực Bến Bính.

Về sự buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền địa phương, ông Trịnh Quang Chính cho biết: "Thực tế, UBND xã Tân Dương đã thiếu sót trong việc quản lý biến động đất đai ở khu vực Bến Bính, không sớm phát hiện những vi phạm về xây dựng trái phép. Điều đó mới dẫn đến tình trạng như hiện nay".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.