'Hai Phượng' và thử thách 'thần chết' của điện ảnh Việt

18/02/2019 16:06 GMT+7

Ở điện ảnh luôn luôn có hai trường phái rất khác biệt, một là tìm kiếm sự hòa nhập với đám đông, hai là dấn thân để tạo nên sự độc đáo mới lạ. Hai Phượng chính là thuộc về vế thứ hai này...

Điện ảnh thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện của những người mẹ dũng cảm, một mình vạch ra kế hoạch đi tìm lại đứa con bị mất tích hay báo thù cho sự mất mát của một thành viên trong gia đình. Jodie Foster, Halle Berry, Jennifer Garner… đều có thể xem là những gương mặt đáng nhớ của thể loại phim này.
Tại Việt Nam, Ngô Thanh Vân đến thời điểm hiện tại được coi là cái tên duy nhất đủ khả năng để “cân” một bộ phim như thế. Và với bộ phim Hai Phượng chuẩn bị khởi chiếu, một lần nữa Vân xác tín được điều đó trong lòng khán giả yêu điện ảnh. Hành trình 24 tiếng đồng hồ của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) đi tìm đứa con gái bị bắt cóc ngay giữa khu chợ quê, buộc phải đối diện với tất cả những khoảnh khắc sinh tử nhất trước một băng đảng giang hồ chuyên kinh doanh nội tạng con người, thật sự là một câu chuyện lạ với thị trường điện ảnh Việt.
Hai Phượng sở hữu một kịch bản đơn giản, không có nhiều bất ngờ về tình tiết. Thế nhưng hành trình để nhân vật đi đến đoạn cuối của bộ phim lại khiến cho khán giả hầu như khó có thể rời mắt khỏi màn hình.
Góc quay, thiết kế bối cảnh và thế võ đa dạng là những điểm sáng rõ nét của phim Ảnh: Studio 68
Cũng có thể nói 12 năm sau bộ phim Dòng máu anh hùng, Hai Phương là một kế thừa xứng đáng của bộ phim võ thuật thời kỳ đầu phát triển trở lại của điện ảnh Việt sau rất nhiều năm tháng ngủ đông.
Với trường đoạn rượt đuổi đầu tiên khi nhân vật Hai Phượng chạy xe máy dọc bờ kênh đuổi theo chiếc xuồng bắt cóc con mình, khán giả Việt có cơ hội được phấn khích với một phân cảnh hành động đỉnh cao nhưng vẫn rặt Việt Nam từ bối cảnh cho đến cách thức triển khai các màn võ thuật. Trong khi đó, ở trường đoạn hành động thứ 2 vào gần cuối phim trên chuyến tàu lửa đang chạy, khán giả hoàn toàn mãn nhãn với từng góc máy, từng pha cận chiến của Hai Phượng khi đối mặt với các thành viên băng đảng bắt cóc.
Bối cảnh động trên một chuyến tàu lửa với điều kiện làm phim tại Việt Nam thực tế là khó trăm bề, không chỉ là câu chuyện về chi phí, thời gian set bối cảnh mà cả việc xin phép cũng là một thử thách rất gian nan. Thật may là Vân đã quyết liệt với trường đoạn ấy để có một bối cảnh đủ tốt lột tả hết sự nghẹt thở của câu chuyện, thay vì là chấp nhận những bối cảnh quen thuộc ở một bến tàu, sân ga hay một nhà kho cũ kỹ nào đó…
Xem một phim hành động như Hai Phượng là một cảm giác rất sướng với khán giả. Nó là một trải nghiệm để ít ra khán giả có thể tự hào Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm những phim võ thuật ra tấm ra món. Khoảng cách về kinh phí làm phim và điều kiện máy móc sản xuất so với các nền điện ảnh khác là còn rất xa, thế nhưng tư duy làm phim thì vẫn có đủ niềm tin để tự hào.
Khả năng để một bộ phim như Hai Phượng bùng nổ về doanh thu trong thời điểm của tháng 2 và tháng 3 khi chính thức ra mắt, vẫn là một câu hỏi để ngỏ vì sự khó đoán của thị hiếu khán giả Việt trong khoảng nửa năm trở lại đây. Một bộ phim tốt thôi là chưa đủ để làm nên chuyện về doanh thu phòng vé.
Thế nên có thể xem Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đang thực hiện một thử thách "thần chết" với thị trường. Một bộ phim hành động đỉnh cao. Một bộ phim với dạng vai đả nữ cuối cùng của Ngô Thanh Vân. Một bộ phim với một phong vị hoàn toàn mới sau những câu chuyện rom-com quen thuộc trên màn ảnh Việt thời gian qua. Và một bộ phim đầy nhiệt huyết của một ê-kíp muốn trao đến cho khán giả sự thừa nhận của những người đã và đang cống hiến tận lực với nghề. Hai Phượng đáng xem vì tất cả những nỗ lực ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.