Hội nghị được tổ chức tại TP.HCM vào ngày hôm qua (9.12).
Nhập hàng nghiên cứu cũng bị đánh thuế
Là một trong những doanh nghiệp (DN) Việt kiều về nước đầu tư từ rất sớm, ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, Giám đốc Công ty Minh Trân, Chủ tịch HĐQT Trường Doanh thương Trí Dũng, nhận xét các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và thuế được thay đổi khá nhiều, đặc biệt từ vài năm trở lại đây. "Tuy nhiên, điều tôi thấy lạ là sau 40 năm thống nhất, chúng ta vẫn chưa có chính sách phân biệt rõ ràng về thuế áp dụng với DN sản xuất và DN làm nghiên cứu. Chúng ta kêu gọi DN đầu tư làm nghiên cứu phát triển, nhưng không có chính sách khác, sắc thuế khác áp dụng cho đối tượng này, nên quanh năm cứ than hàng hóa không đa dạng, không phát triển chế biến mạnh, cứ dừng mãi ở xuất thô. DN nhập hàng mẫu để nghiên cứu bắt phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm rất mất thời gian và thuế đóng như nhập sản xuất là rất vô lý”, ông Dũng nói và cho rằng, luật về thuế và hải quan của VN đang đi sau những nhu cầu bức thiết này.
Theo ông Dũng, Nhật có chính sách nhập hàng mẫu với quy định số lượng, mức tiền cụ thể, vượt quá mức này sẽ phải đóng thuế. Nếu thấy DN cứ nhập hoài mà không thấy sản xuất, nghiên cứu, sẽ tiến hành hậu kiểm. Và nếu phát hiện DN vi phạm, phạt rất nặng. Ngành thuế và hải quan VN nên tham khảo điều này. Cho nhập, quan sát, kiểm tra xem DN làm ăn thế nào, có nghiên cứu thật không, nếu không là có biện pháp chế tài. Chứ hiện nay, DN nhập nghiên cứu thôi mà thủ tục quá nhiêu khê, khiến nhà đầu tư nản từ đầu”.
Ngoài ra, ông Dũng cũng phàn nàn, đến bây giờ TP.HCM vẫn chưa có một cơ quan tập trung trả lời về luật trong xuất nhập khẩu, để nhà đầu tư có đầu mối hỏi thông tin.
Thắc mắc về thuế, ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức, đặt vấn đề: DN ông chuyên nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, song nhiều lô hàng nhập đóng kiện lại bị thiếu vài linh kiện, sau khi báo và làm việc với phía đối tác, họ gửi về bổ sung. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhận vài linh kiện thiếu, DN lại bị tính thuế ngoài số thuế đã nhập nguyên linh kiện trước rồi. “Tại sao chúng tôi phải đóng thuế chồng thuế cho một công nghệ như vậy? Chúng tôi có đầy đủ thông tin giấy tờ chứng minh thiếu thiết bị, sao phải bị tính thuế lần 2?”, ông Đồng hỏi.
Ông Lê Ngọc Thạnh, Việt kiều Canada, thắc mắc chính sách nhập giống cá hồi từ Canada vào VN mà gần 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Thạnh cũng hỏi quy định và thông tin về việc nhập khẩu những sản phẩm liên quan đến hải cẩu. “Dầu hải cẩu là nguồn thực phẩm chỉ có duy nhất tại Canada, đã được phía Canada kiểm dịch các khâu, vậy muốn nhập về VN, cơ quan nào sẽ giúp DN trả lời thông tin về thủ tục?”, ông Thạnh hỏi.
Nên miễn kiểm tra hàng nhập từ các nước phát triển
Trả lời các thắc mắc của DN Việt kiều, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho rằng DN làm nghiên cứu cần 5 - 10 năm mới có kết quả, không thể “đánh” thuế như DN nhập về sản xuất được. Đây là bất hợp lý kìm hãm nỗ lực làm nghiên cứu của DN. “Chúng tôi đồng ý với phản ảnh của DN và sẽ tiếp tục kiến nghị qua kênh Bộ quản lý và qua đại biểu Quốc hội của TP.HCM để phản ánh đến Chính phủ sớm nhất có thể”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan hải quan trong cải cách hành chính tại cửa khẩu cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành. Bởi thông quan hàng hóa của VN qua hải quan chỉ chiếm 28%, 72% còn lại là nhiệm vụ các cơ quan quản lý chuyên ngành. Nếu so với 5 - 10 năm trước mọi hàng hóa qua cửa khẩu đều kiểm tra 100%, thì nay theo chính sách phân luồng. “Chúng tôi đang vận hành theo cơ chế quản lý rủi ro, tức là DN hoạt động tốt, có lịch sử làm ăn đàng hoàng, chấp hành luật nghiêm túc, thường được tạo điều kiện thông quan tối đa…”, ông Thắng cho biết.
Đại diện phía hải quan cũng cho biết, trung bình mỗi năm có 2 triệu tờ khai, trong đó có 750.000 tờ khai liên quan quản lý chuyên ngành. “Cái gì cũng kiểm tra, chúng tôi rất bức xúc giùm DN. Lượng container thông qua Hải quan TP.HCM hiện chiếm 60%, mà kiểm tra nhiều khiến hàng hóa ứ đọng tại cảng cũng gây áp lực lớn cho chúng tôi”, ông Thắng chia sẻ và thông tin cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan bộ ngành cùng tháo gỡ, nhất là dẹp bỏ bớt giấy phép con gây phiền hà cho DN từ năm này sang năm khác. Ngoài ra, đại diện phía hải quan cũng nêu quan điểm những mặt hàng đã được công nhận từ các quốc gia phát triển nên miễn kiểm tra. “Chúng tôi đồng ý cần có cơ quan một cửa để tránh DN chạy lòng vòng làm thủ tục. Hải quan TP.HCM hứa từ nay đến 2020 phải cải cách ngành thế nào để hải quan phải đứng ngang hàng với hải quan Singapore, Malaysia, Thái Lan…”.
Bình luận (0)