Hải quân Mỹ tăng cường đối phó tên lửa tầm xa của Trung Quốc

26/11/2019 10:25 GMT+7

Báo cáo mới đưa ra của Viện Hudson (Mỹ) cảnh báo Hải quân Mỹ không thể bảo vệ các hạm đội trước tên lửa tầm xa của Trung Quốc .

Theo báo cáo đăng trên trang web của Viện Hudson, Hải quân Mỹ không đủ khả năng do thám để hỗ trợ và bảo vệ các hạm đội nên không thể “định hình môi trường chiến đấu” một khi đối diện với các vũ khí có tầm bắn ngày càng vươn xa của Trung Quốc.
Báo cáo cho rằng Mỹ đối diện với thách thức lớn nhất kể từ giữa thế kỷ 20 khi những kẻ thù của Mỹ dù có bất đồng lẫn nhau vẫn đe dọa phối hợp liên kết bành trướng ở lục địa Á - Âu, làm xáo trộn lợi ích chiến lược của Mỹ và các giá trị toàn cầu.
Trong số các điểm nóng có thể diễn ra đối đầu thì Tây Thái Bình Dương bị cho là khu vực đứng đầu. Theo đó, hiện chưa có sự đánh giá đầy đủ về vai trò trọng yếu của năng lực tình báo, do thám và xác định mục tiêu của hải quân Mỹ.
“Điểm mù” này ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở Tây Thái Bình Dương và khả năng của Mỹ trong việc dàn xếp chính trị mà không xảy ra xung đột.
“Trong tình huống xấu nhất, những đối thủ của Mỹ sẽ vượt trội hơn ở giai đoạn đầu của xung đột, buộc Washington phải quyết định giữa việc chấp nhận thương vong cao hoặc rút lui khỏi một khu vực hoạt động”, theo báo cáo.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 với thiết bị bay bội siêu thanh của Trung Quốc

Reuters

Mối đe dọa từ vũ khí bội siêu thanh

Các chuyên gia cảnh báo thiết bị bay bội siêu thanh DF-ZF của Trung Quốc được cho là có thể di chuyển với tốc độ tối đa gấp 10 lần vận tốc âm thanh, sẽ là mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ.
Trung Quốc còn đang phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm trang bị trên oanh tạc cơ chiến lược H-6K, trong khi tên lửa CH-AS-X-13 sẽ có tầm bắn hơn 3.200 km, theo báo cáo.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ thiếu thông tin về các động thái của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh có thể nắm bắt thời gian và địa điểm cho những lần đối đầu có thể xảy ra, buộc Mỹ phải chọn lựa giữa các viễn cảnh leo thang không mong muốn, báo cáo cảnh báo.

Thiếu năng lực do thám

Trong phần kết luận, báo cáo đề xuất đánh giá, phân tích năng lực của Hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng nước này cần cân nhắc tái điều động các máy bay không người lái (UAV) như MQ-9 Reaper đến Trung Đông và Thái Bình Dương, nâng cấp chúng để do thám tốt hơn trên biển.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ nên cân nhắc đưa vào biên chế các UAV tầm trung và xa có thể cất và hạ cánh trên tàu chiến nhằm đưa ra thông tin trực tiếp về mục tiêu. Các không đoàn tàu sân bay cần được cung cấp thông tin do thám từ UAV MQ-25 Stingray thay vì các tiêm kích F/A-18E/F và máy bay tác chiến điện tử EA-18G.
Bộ Quốc phòng Mỹ nên kêu gọi các đối tác và đồng minh tăng cường năng lực do thám, đồng thời cung cấp cho họ các UAV loại MQ-4C Triton và MQ-9B SeaGuardian/Protector, theo đề xuất trong báo cáo về năng lực Hải quân Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.