Lãnh đạo hải quân Mỹ và Trung Quốc hôm qua 29.10 bất ngờ tổ chức cuộc hội đàm trực tuyến về tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau vụ tàu khu trục Mỹ áp sát đảo nhân tạo.
Ba tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận “đối đầu” tại Biển Đông - Ảnh: 81.cn |
Theo Hãng tin AFP, cuộc hội đàm giữa Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson và Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi kéo dài 1 giờ trong ngày 29.10 thông qua kết nối video.
Đây là cuộc hội đàm trực tuyến lần thứ ba giữa lãnh đạo hải quân hai nước, sau hai lần vào tháng 4 và tháng 8 năm nay. Cuộc hội đàm bất thường được tổ chức 2 ngày sau khi hải quân Mỹ lần đầu tiên cho tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa.
Cũng liên quan đến hoạt động trao đổi quân sự song phương, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 2 - 5.11.
Theo nhận định của chuyên gia hải quân Nghê Lạc Hùng thuộc Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải, bất chấp những nỗ lực đối thoại, hai phía sẽ rất khó thoái lui trong cuộc đối đầu hiện nay. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xung đột quân sự, nhưng vấn đề then chốt là lợi ích cốt lõi của cả hai phía va chạm nhau ở Biển Đông”, ông Nghê nói với Reuters.
Trong cuộc họp báo cuối ngày 29.10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân vẫn cương quyết nhấn mạnh: “Chúng tôi thúc giục Mỹ không nên tiếp tục con đường sai trái”, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh “sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đáp trả” nếu Mỹ không nhượng bộ.
Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin một nhóm tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường trực thuộc Hạm đội Nam Hải đã tiến hành cuộc tập trận nhằm chuẩn bị viễn cảnh “đối đầu” trên thực tế tại Biển Đông. Nội dung cuộc tập trận bao gồm hoạt động bắn hạ máy bay và dội hỏa lực vào bờ trong điều kiện đêm tối.
Dù có quan điểm phản đối hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch giữa các đối tác phương Tây và hải quân Trung Quốc vẫn được triển khai đúng hạn. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm qua cho hay hai tàu chiến nước này sẽ tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật với hải quân Trung Quốc trong phạm vi Biển Đông vào tuần tới.
Theo Reuters, các tàu HMAS Stuart và HMAS Arunta sẽ thăm căn cứ Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc trước khi chính thức tập trận.
Còn theo tờ The Wall Street Journal ngày 29.10, Úc cũng đang cân nhắc cho tàu chiến di chuyển gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Ngoài Úc, một tàu khu trục của Pháp đã cập cảng Trạm Giang vào ngày 28.10, trước chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Pháp Francois Hollande vào tuần tới. Tàu này sẽ tiến hành cuộc diễn tập tránh va chạm trên biển với hải quân Trung Quốc trong những ngày tới.
Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua 29.10 đã bày tỏ lo ngại về tranh chấp lãnh thổ ở khu vực và gợi ý rằng Trung Quốc nên ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Tàu chiến Mỹ, Nhật diễn tập ở Biển Đông
Đài NHK ngày 19.10 đưa tin tàu khu trục Fuyuzuki của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đang tiến hành cuộc diễn tập chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương USS Normandy của Mỹ tại khu vực Biển Đông ở phía bắc đảo Borneo.
Cuộc diễn tập bắt đầu từ ngày 28.10, sau khi tàu USS Theodore Roosevelt và USS Normandy kết thúc chuyến ghé thăm cảng Changi ở Singapore. JMSDF cho hay cuộc diễn tập sẽ kéo dài vài ngày và tập trung vào việc liên lạc giữa tàu bè hai nước. Theo JMSDF, cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ trước và không liên quan đến động thái mới đây của Mỹ điều tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa.
Công Chính
|
Việt Nam lên tiếng về việc tàu Mỹ đi qua Trường Sa
Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là thông điệp được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra hôm qua 29.10 liên quan đến việc Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Hải Bình nêu rõ: Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của công ước, phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, ông Lê Hải Bình tuyên bố.
Trường Sơn
|
Xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc
Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) khuya hôm qua 29.10 đã ra phán quyết cho biết tòa này có thẩm quyền xét xử một số nội dung trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thông cáo của PCA cho biết các thẩm phán nhất trí sẽ mở các phiên tòa để xem xét nội dung 7 trong số 15 kiến nghị của phía Philippines.
Các kiến nghị được thụ lý chủ yếu tập trung vào tranh chấp ở bãi cạn Scarborough và việc xác định chế độ pháp lý của các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa. PCA cũng bảo lưu quyền đưa ra phán quyết về thẩm quyền xét xử đối với 8 kiến nghị còn lại, đồng thời yêu cầu Philippines làm rõ thêm nội dung của một trong số 8 kiến nghị đó. Trung Quốc vốn không tham gia phiên tòa và tuyên bố không công nhận thẩm quyền xét xử của PCA đối với vụ kiện.
Sơn Duân
|
Bình luận (0)