Việc nghiên cứu loài động vật có xúc tu này được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Nebraska-Lincoln và Đại học bang Ohio. Họ chưa hiểu được cơ chế nào để hải quỳ có thể đục qua băng để lên bề mặt hoặc chui qua để xuống biển.
Hãng tin UPI cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng camera gắn với mũi khoan điều khiển từ xa để nghiên cứu địa chất khu vực Ross Ice Shelf ở Nam cực. Họ thực sự ngạc nhiên khi phát hiện một lượng lớn hải quỳ trắng có tên khoa học Edwardsiellaandrillae sinh sống lơ lửng dưới tầng băng biển. Nhà nghiên cứu Marymegan Daly, người phân tích mẫu vật nói với tạp chí NewScientist rằng, khó lý giải tại sao chúng có thể sống trong nước đá lạnh giá khi không có sự khác biệt về hình thái học, giải phẫu học.
Một số loài hải quỳ có thể dùng xúc tu của chúng để đào xuyên qua lớp băng mỏng nhưng với lớp băng dày địa cực thì quả là rất khó khăn. Vì vậy các nhà khoa học đang đặt vấn đề, liệu hải quỳ trắng Nam cực có thể tiết ra loại hóa chất nào đó để làm tan băng. Hiện cũng chưa hiểu làm thế nào mà hải quỳ trắng lại có thể sống thoải mái trong môi trường lạnh giá này và tiếp tục sinh sôi các thế hệ sau. Toàn văn báo cáo này đã được đăng trên tạp chí PloS ONE.
Song Mai
Bình luận (0)