Hai tiếng 'Việt Nam' xóa nhòa mọi ngăn cách!

30/04/2019 05:06 GMT+7

Chỉ cần hai tiếng 'Việt Nam' dường như mọi ngăn cách đều được xóa nhòa và mọi thứ đều được hóa giải.

Ông Peter Hồng (kiều bào ở Úc), Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, chia sẻ với Báo Thanh Niên về vai trò, đóng góp to lớn của kiều bào cũng như làm sao để kết nối người Việt trên toàn thế giới góp phần phát triển đất nước.
Cầu Mỹ Thuận, công trình có một phần tài trợ từ Úc và dấu ấn làm việc của ông Hồng Ảnh: Độc Lập
Cầu Mỹ Thuận, công trình có một phần tài trợ từ Úc và dấu ấn làm việc của ông Hồng Ảnh: Độc Lập
Ông có thể chia sẻ việc sang Úc và về nước trong hoàn cảnh nào?
Ông Peter Hồng Ảnh: Ngọc Dương
       Ông Peter Hồng - Ảnh: Ngọc Dương
Tôi sang Úc năm 1977. Ban đầu tôi ở Melbourne và học Đại học Melbourne, sau đó ra làm việc ở Bộ Di trú Úc. Năm 1992, tôi về nước và nằm trong nhóm những kiều bào về nước sớm nhất.
Đất nước mình có nhiều lần thay đổi chủ trương, chính sách liên quan đến kiều bào, nhưng quan trọng nhất phải kể đến Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài ban hành năm 2004. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng Nghị quyết 36 rất đúng đắn và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế. Sau Nghị quyết 36, bà con kiều bào hồ hởi thấy rõ. Từ đây kiều hối của kiều bào gửi về nước chỉ từ 1 tỉ USD tăng lên 2, 3 tỉ USD và năm 2018 đạt gần 16 tỉ USD.

Trở về vì “phải làm điều gì đó cho đất nước”

Cơ duyên nào khiến ông quyết định về nước thời điểm năm 1992?
Tôi về nước trong hoàn cảnh hết sức thuận lợi. Thời điểm đó Úc tài trợ một phần để VN xây cầu Mỹ Thuận. Công ty tôi ở Úc lại phụ trách về phần ngân sách xây cầu. Tôi gắn bó trong việc xây dựng cầu Mỹ Thuận từ năm 1992 - 2000 và cho tới khi cầu hoàn thành. Thậm chí, tôi còn là người đi chuyến phà cuối cùng từ Tiền Giang qua Vĩnh Long.
Tôi chỉ cần nói một câu mà họ ôm tôi rơi nước mắt: “Việt Nam là quê hương mình, tôi mời anh về thăm quê hương. Anh thích đi đâu tôi dẫn anh đến thăm đó”. Chỉ cần hai tiếng “Việt Nam” dường như mọi ngăn cách đều được xóa nhòa và mọi thứ đều được hóa giải
 
Thời gian xây dựng cầu Mỹ Thuận, tôi hay đi đi về về Sài Gòn và Mỹ Thuận. Những lần đi như vậy, tôi rất xúc động khi thấy những đứa trẻ bán dừa, mía ghim ở hai bên phà Mỹ Thuận. Nhìn lũ trẻ, tôi lại liên tưởng đến những đứa con của mình giờ này đang được ăn học đầy đủ thì ở đây nhiều đứa trẻ đang vất vả mưu sinh. Rồi tôi liên hệ đến hoàn cảnh của mình ngày xưa khi mới sang Úc. Trong khi mình đi học đại học thì ở nhà bạn bè mình đang phải cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Thời điểm đó tôi chưa tới 30 tuổi và bắt đầu ý thức phải làm điều gì đó cho đất nước. Đó chính là lý do mà tôi gắn bó với VN suốt gần 30 năm qua.
Hơn 30 năm gắn bó với VN, ông thấy sự thay đổi của đất nước thời gian qua như thế nào?
Gần 30 năm gắn bó với đất nước, tôi thấy đất nước có những đổi thay lớn cả những khó khăn lẫn thuận lợi. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ đề cập đến những khó khăn, thách thức, đặc biệt là có sự lúng túng trong việc mở cửa và hội nhập.
Tại buổi làm việc giữa Thành ủy, UBND TP.HCM với kiều bào diễn ra đầu tháng 4.2019, ông Peter Hồng đề nghị cần thành lập quỹ tài chính kiều bào. Ông Hồng cũng cam kết nếu chính sách thuận lợi thì trong vòng 3 năm quỹ này sẽ thu hút 3 tỉ USD về đầu tư, xây dựng TP.HCM. Sau khi nghe đề xuất, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xem xét.
Thời gian những năm 1990, Quảng Nam tách tỉnh và xây dựng tiền đề cho Khu kinh tế mở Chu Lai. Tôi là người được tỉnh mời tham gia xây dựng đề án này và cùng đi giới thiệu khu kinh tế này ra thế giới. Khi đó cả tôi và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đều xác định Chu Lai có tiềm năng xây dựng khu kinh tế mở, nhưng rất tiếc khi đó chính sách, tài chính của mình chưa theo kịp để thu hút nhà đầu tư quốc tế. Sau đó việc phát triển khu kinh tế này khựng lại và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phải mời một số doanh nghiệp như Trường Hải, Đồng Tâm… đầu tư và chưa thể đưa ra tầm nhìn chiến lược cho khu kinh tế mở nhiều năm sau.
Tôi cũng từng tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hàn Quốc tìm hiểu mô hình những tập đoàn nổi tiếng như Samsung, Hyundai… Sau này, lãnh đạo VN cũng muốn những tập đoàn, tổng công ty trong nước mạnh mẽ như những tập đoàn Hàn Quốc, làm đầu tàu để kéo theo những ngành khác phát triển. Các anh nghĩ đúng, nhưng sự chuẩn bị con người chưa đầy đủ nên sau 20 năm, nhiều tập đoàn lớn ta muốn xây dựng làm “đầu tàu” đã thất bại. Đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa có công nghiệp phụ trợ đúng nghĩa.

Mở lòng ra để đón nhận

Nhắc tới kiều bào, ngoài những đóng góp về kinh tế thì một vấn đề nhiều người quan tâm vẫn là hòa hợp dân tộc. Những trải nghiệm thực tế của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực ra cái này do tư duy của mình. Mình phải mở lòng ra để đón nhận. Ví dụ như cái tên gọi Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài. Hai từ “nước ngoài” khiến lắm khi tôi khổ sở vô cùng. Tôi đi xuống tỉnh làm việc, dù ở đó nhiều người biết đến tôi nhưng khi có từ “nước ngoài” sẽ bị săm soi để ý.
Có lẽ chúng ta vẫn chưa mở lòng hết với nhau. Như tôi khi đi về một số tỉnh vẫn chưa được đón nhận nhiều lắm đâu. Ở một số tỉnh khi chúng tôi dẫn doanh nghiệp kiều bào về làm việc thì trong buổi làm việc vẫn có người mặc sắc phục công an ngồi cùng khiến nhiều kiều bào tỏ vẻ e dè và cảm thấy không thoải mái.
Tôi cảm giác có nơi, có lúc những chỉ thị, nghị quyết về kiều bào của Bộ Chính trị vẫn còn chưa được triển khai một cách bài bản.
Thiết nghĩ, không quan trọng ngày xưa ai là người thắng, người thua, mà quan trọng nhất ở đây chính là quê hương VN mình.

Chủ động đến với kiều bào

Vậy theo ông, trong thời điểm này chính sách thu hút kiều bào cần chú ý những điểm nào?
Rất đơn giản, bà con kiều bào ở nước ngoài đều có hội đồng hương, có thể đó là hội đồng hương Trà Vinh, Vĩnh Long, Nghệ An, Hà Tĩnh… Những hội đồng hương rất có ý nghĩa và họ đều muốn về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” đóng góp, đầu tư xây dựng quê hương. Do đó lãnh đạo địa phương nếu có dịp ra nước ngoài, thì nên tìm và bắt tay với những hội đồng hương này.
Câu chuyện về lòng dân khi tới thăm một vị tướng khiến tôi nhớ mãi. Đó là sau khi vị tướng này nghỉ hưu về sống ở quê, một vị tỉnh đội trưởng đến thăm và nói sẽ cử một tiểu đội tới bảo vệ. Ai ngờ sau khi nghe, vị tướng nói “tiểu đội của ông sao bằng bốn ngàn người dân trong ấp bảo vệ tôi”. Nghe xong, tôi hiểu về vai trò to lớn của người dân. Câu chuyện làm tôi thay đổi suy nghĩ và cách nhìn. Phải đem trái tim mình chạm tới trái tim người ta thì mọi chuyện mới thành được.
Có những lần ra nước ngoài công tác với vai trò lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, tôi gặp rất nhiều kiều bào giỏi giang. Nếu lúc đó mà nói đến tiền, tôi thua họ, nói đến thành công kinh doanh tôi cũng thua họ. Nhưng tôi chỉ cần nói một câu mà họ ôm tôi rơi nước mắt: “Việt Nam là quê hương mình, tôi mời anh về thăm quê hương. Anh thích đi đâu tôi dẫn anh đến thăm đó”. Chỉ cần hai tiếng “Việt Nam” dường như mọi ngăn cách đều được xóa nhòa và mọi thứ đều được hóa giải.
Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài đã làm gì để vừa thu hút đầu tư của kiều bào, vừa thu hút nước ngoài đầu tư vào VN góp phần xây dựng, phát triển đất nước?
Slogan của hiệp hội là “gắn kết doanh nhân kiều bào với doanh nhân Việt”. Hiệp hội tổ chức những hội nghị, diễn đàn để bà con kiều bào trên toàn thế giới, ở những quốc gia mà hiệp hội có thế mạnh nhằm thu hút họ về nước đầu tư.
Vào tháng 6.2019, hiệp hội sẽ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu ở Hàn Quốc với ba chủ đề: Đầu tư vào VN; công nghiệp 4.0; doanh nghiệp công nghệ cao.
Ngoài Hàn Quốc, năm nay hiệp hội sẽ tổ chức những diễn đàn tương tự ở Thái Lan, Trung Quốc và Úc.
Xin cảm ơn ông!
Đẩy mạnh thông tin “người thật, việc thật” tới kiều bào
Ông Danny Võ Thành Đăng (41 tuổi, kiều bào Singapore), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, cho hay những năm gần đây Chính phủ nói chung và TP.HCM đều có những chính sách thu hút kiều bào về đầu tư, xây dựng và phát triển đất nước.
“Tôi nghĩ với bất cứ chính sách nào mới liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có kiều bào, thì cần một độ “trễ” về thời gian để chính sách đó hoàn thiện tốt hơn. Thay vì ngồi đó đưa ra những lời chê bai, mọi người, trong đó có những kiều bào hãy hành động, đưa ra những dự án có thể dễ thực hiện góp phần đóng góp cho đất nước”, ông Đăng nói.
Ông Nguyễn Minh Đồng (kiều bào Đức), Giám đốc Công ty công nghệ Devitec, cho hay nên tổ chức những buổi gặp gỡ kiều bào, tập trung tranh luận, đối thoại liên quan đến những vấn đề mà người dân quan tâm như: giao thông, giáo dục, môi trường, sáng tạo và khởi nghiệp... từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Theo ông Danny Võ Thành Đăng, để thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực kiều bào đóng góp cho đất nước nên làm tốt công tác truyền thông. Từ đó góp phần đưa nhiều thông tin tốt “người thật, việc thật” cho kiều bào biết và hiểu nhiều hơn về quê hương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.