Hai tòa lâu đài của Khải Silk thay chủ

18/12/2018 16:54 GMT+7

Sau một năm mất tích trên truyền thông vì bê bối lụa giả, hiện ông Khải Silk đã phải bán đi quyền quản lý, khai thác một số tòa nhà. Trong đó có hai tòa nhà nổi tiếng là TajmaSago và Cham Charm.

Hai tòa lâu đài có tên TajmaSago và Cham Charm ở địa chỉ số 2 - 6 Phan Văn Chương, thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM), từng được biết với danh nghĩa của ông Hoàng Khải, ông chủ tập đoàn tơ lụa Khai Silk nay đã chính thức thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Chloe Hospitality.

Thay tên, đổi chủ

Theo đó, cả hai tòa nhà này sẽ được đổi tên mới là Chloe Gallery. Ngoài việc thay tên, đổi chủ, kế hoạch kinh doanh của hai tòa nhà này cũng sẽ thay đổi. Cụ thể, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông... Không như trước đây hai tòa nhà mang vẻ huyền bí, kén khách, sau khi về tay Tập đoàn Chloe Hospitality nơi đây sẽ là điểm hẹn cho những đại tiệc về nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, điện ảnh, khách sạn...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc điều hành Tập đoàn Chloe Hospitality, cho biết Tập đoàn Chloe Hospitality đã tiếp quản hai tòa nhà này cách đây 2 tháng và đang sửa chữa nhỏ theo từng giai đoạn và hoàn thiện lại theo một phong cách mới. Điển hình là tòa nhà TajmaSago nếu trước đây bên ngoài có màu trắng xanh, thì nay đổi sang màu chủ đạo là trắng vàng. Nội thất bên trong cũng sẽ thay đổi. Ngoài ra, khoảng sân vườn được mở rộng để có thể phục vụ các sự kiện, yến tiệc ngoài trời... Trong khi đó, tòa nhà Cham Charm sẽ giữ nguyên phần ngoài, nội thất bên trong sẽ được làm lại mới cho phù hợp với phong cách và phương án kinh doanh mới. Dự kiến Chloe Gallery sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới cho hai công trình vào cuối tháng 12.2018.
“Chúng tôi không phải mua lại hai tòa nhà này mà chỉ vào thuê khai thác lại. Tập đoàn ký với anh Khải để quản lý tài sản này và để kinh doanh. Tập đoàn Chloe Hospitality cũng giống như Accor hay Hyatt chuyên đi thuê lại hoặc quản lý các tòa nhà. Hồi xưa tôi đi xây dựng, quản lý nhiều nhà hàng cho anh Khải nên rất thích các nhà hàng của anh Khải. Bây giờ khi anh Khải rút đi, tôi vào tiếp quản lại. Về giá thuê lại bao nhiêu tạm thời chúng tôi không thể công bố”, ông Toàn cho hay.

Không chỉ bán quyền khai thác, quản lý hai tòa nhà trên, tháng 8.2018 có thông tin chiếc Rolls-Royce Phantom từng thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk được một showroom tư nhân tại Hà Nội trưng bày. Chiếc Rolls-Royce Phantom màu bạc này chính là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên được đưa về Việt Nam, trị giá khoảng 1 triệu USD, tương đương 16 tỉ đồng thời giá năm 2007. Lúc đó, xế sang của ông chủ KhaiSilk cũng được cho là chiếc xe đắt nhất Việt Nam.

Hai tòa nhà đều được đổi tên thành Chloe Gallery Sơn Sơn

TajmaSago và Cham Charm không phải của Khải Silk

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Đình Toàn, hai tòa nhà TajmaSago và Cham Charm thực chất không phải là tài sản của ông Hoàng Khải mà của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Hai tòa nhà này được ông Hoàng Khải thuê lại từ Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Khi Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng hoàn thành phần thô, ông Khải Silk vào thuê lại và hoàn thiện phần ngoài, nội thất theo ý tưởng của mình, từ đó khai thác và kinh doanh. “Chính vì không phải là tài sản của ông Hoàng Khải nên hoàn toàn không có chuyện chúng tôi mua lại hai tòa nhà này, mà chỉ thuê và khai thác lại quyền thuê của ông Hoàng Khải. Hiện ông Hoàng Khải vẫn phải chịu trách nhiệm với Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng”, ông Toàn cho biết.
Một lãnh đạo Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cũng xác nhận với Thanh Niên rằng, hai tòa nhà này là tài sản của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho ông Khải Silk thuê lại. Không chỉ hai tòa nhà này, tòa nhà Saigon Paragon (quận 7) trước đây từng biết đến là tài sản thuộc ông Khải Silk nhưng đất cũng là của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Ông Khải Silk thuê lại đất và xây dựng tòa nhà trên đó. Khi được hỏi về giá trị của hai thương vụ này trị giá bao nhiêu, vị này không tiết lộ.
Được biết, Tập đoàn Chloe Hospitality được thành lập ngày 6.9.2018, có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật của Chloe Hospitality là bà Đặng Thị Bảo Phương (sinh năm 1994, ngụ TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Không chỉ việc tiếp nhận hai tòa nhà của Khải Silk, hiện tại Chloe Hospitality đang đầu tư một vài tòa nhà tại quận 7 và một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.