Đời vua Minh Mạng có nhiều chuyến công cán của các sứ bộ VN như phái đoàn Lý Văn Phức đi hiệu lực (tức để cố gắng chuộc tội) Bengale năm 1830, chuyến đi hiệu lực của Phan Thanh Giản cùng Hà Tông Quyền sang Giang Lưu Ba (Batavia, nay là Jakarta, Indonesia) năm 1831, Phan Huy Chú đi hiệu lực sang Tân Gia Ba (Singapore) và Giang Lưu Ba mùa đông năm 1832 rồi quay về năm 1833. Đời Thiệu Trị có chuyến đi xuống Hạ Châu của Cao Bá Quát năm 1844, đời Tự Đức có chuyến đi Lang Sa (Pháp) và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) của sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1863 - 1864...
Chuyến đi năm 1832 của Phan Huy Chú có bài ký sự Hải trình chí lược (lược kể một chuyến đi biển) ghi chép sơ lược lại những điều mắt thấy tai nghe về núi non, cảnh sắc, phong tục, sản vật, sinh hoạt, hoạt động kinh tế cũng như kết quả điều tra những cơ sở chính trị và kỹ thuật của người phương Tây trong vùng... dâng lên để vua ngự lãm, ngõ hầu góp phần nhỏ cho việc quan phong (quan sát phong tục lân bang để phân biệt cái hay, cái dở) và canh tân của triều đình.
|
Phong cảnh phương Nam và văn minh phương Tây
Trong lần hiếm hoi được đặt chân đến vùng đất phương Nam (trước đó ông hai lần đi sứ Trung Quốc ở phương Bắc) có cơ hội mở rộng tầm mắt trước thế giới mới lạ, học giả họ Phan đã ghi lại những hình ảnh về nước Việt xưa với một tình cảm dân tộc dạt dào.
Đi ngang qua cửa Thị Nại (Bình Định), ông nhận xét rằng “Cảnh sắc thanh bình thật đáng vui thích. Ông Âu Dương (Âu Dương Tu (1007 - 1072) nói: “Thấy cảnh núi cao nước trong thì biết rằng thiên hạ thái bình đã lâu”. Câu ấy có thể dùng để nói về cửa biển này chăng?” (tr.48). Ông miêu tả cửa tấn Vũng Lấm (Phú Yên): “Trên bờ, nhà cửa vườn cây liên tiếp trù mật. Cảnh sắc cũng đẹp nhưng ngoài cửa tấn, nhiều núi, mỗi khi gió nổi lên thì sóng to cuồn cuộn...” (tr.48). Khi đi ngang núi Thạch Bi (Phú Yên), ông “nhìn xa thấy cửa biển vách đá mà tưởng tượng thấy sự phân hợp cương thổ khác nhau, bất giác kính cẩn việc đời xưa (chuyện vua Lê Thánh Tông thu phục Chămpa)” (tr.50). Cửa tấn Vị Nê của Bình Thuận thì “dân cư trù mật, tôm cá nhiều. Thuyền biển qua đây thường tạm đỗ lại để mua sắm thực phẩm. Từ đây đi qua các vùng biển Kê Khê, Ma Ly, La Di (nay viết là La Gi) nhân tiện đi thẳng tới Côn Lôn không theo hướng tây qua cửa Cần Hải của Gia Định. Bên cạnh cửa tấn Vị Nê có một dãy núi đâm ngang, tục gọi là Mũi Nê. Ngoài ra đều là cồn cát, nhìn thấy sáng lấp lánh” (tr.5). Đảo Côn Lôn có “... xóm làng trù mật, dân cư đông đúc. Núi có nhiều yến sào. Phong cảnh thật là đẹp. Xưa nay đã đặt thủ ngự ở đó để tuần phòng mặt biển” (tr.52)...
Với cái nhìn tinh tế và sắc sảo, Phan Huy Chú đã ghi chép lại (và có đánh giá ít nhiều mang dấu ấn cá nhân) nhiều chi tiết về các sự vật sự việc ở Giang Lưu Ba trên các phương diện.
Sự phồn hoa của Giang Lưu Ba được miêu tả: “Từ bến cảng trở lên, nhà ngói chen chúc ước tới vài mươi dặm. Hai bên đường thì nhà lầu đối nhau, hàng hóa la liệt. Dọc theo phố cổ có sông thông với cảng, thuyền bè qua lại. Trên bộ xe ngựa như nước chảy. Kẻ mặc áo trắng như tuyết (người Hà Lan) ngồi nệm hoa qua lại, nhìn thấy hàng ngày trên đường. Đến như các phố Hòa Lang thì lại càng tân kỳ hoa lệ. Nhà thì bốn phía tường, tranh, kính lung linh chói mắt. Đầy nhà các đồ vật quý giá sáng loáng. Nhà nào giàu sang thì có vườn đẹp, các thứ hoa và đá lạ, trông rất thanh thú” (tr.65 - 66)...
Người dân bản địa được Phan Huy Chú đánh giá là chất phác, nhu thuần. Nhận xét về tổ chức luật pháp Giang Lưu Ba bấy giờ do người Hà Lan cai trị, ông cho rằng đời sống nơi đây có tổ chức và kỷ luật, luật pháp rất nghiêm, hầu như không có nạn tham nhũng... Chẳng hạn, luật pháp thì “không có thiên lệch, nên xử đoán công bằng, do đó dễ chế ngự dân chúng” (tr.68). Chế độ tiền giấy “Việc làm thông biến, hợp với lòng dân, [...] một thể chế có tính sáng tạo” (tr.70).
Sự đối chọi Đông - Tây được Phan Huy Chú thể hiện qua các vấn đề về quy hoạch không gian đô thị của Giang Lưu Ba, phong tục, lễ nghi, kỹ thuật... Chẳng hạn, ông phê phán chuyện đạo lý ở châu Âu là trên dưới quen thân lễ tiết chẳng còn: “Tập quán phương Tây, lễ tục giản dị, không chuộng đẳng cấp, quyền uy”. “Bản thân là bậc quân trưởng mà đi cùng với kẻ thất phu, chứ không biết đến lễ giáo điển chương của Chu Khổng, nên tuy họ (người châu Âu) tài khéo trăm thứ, cuối cùng vẫn bị liệt vào hàng Man Di vậy” (tr.74). Trong khi đó, ông chấp nhận phong tục ưu đãi dành cho quyền tự do của người phụ nữ: “Mỗi khi đi ra ngoài, lúc lên xe thì chồng phải đỡ vợ lên trước. Khi đến chơi nhà, cười nói thân mật, không có thói phụ nữ phải lánh mặt trong buồng riêng. Đó cũng là do tập tục như vậy” (tr.73 - 74). Xe cộ của người Tây “rất tinh xảo, vừa nhẹ vừa chắc, so với xe của Trung Quốc thì hơn hẳn” (tr.68)... Tranh vẽ của người Hà Lan trong mắt ông thật thần tình và sinh động “đến như Vương Ma Cật (tức Vương Duy (699 - 759), Ngô Đạo Tử thời xưa chưa dễ đã hơn được. Có lẽ cái tinh hoa sắc sảo của họ là do trời phú, chứ không phải nhờ ở học thuật Trung Hoa” (tr.72).
Hải trình chí lược (Phan Huy Lê, Tạ Trọng Hiệp và Claudine Salmon dịch và giới thiệu) là bản tường trình về văn minh phương Tây, phần nào cho thấy mối quan tâm và lo ngại của nhà Nguyễn trong chính sách kinh tế, chính trị và quân sự. Cuốn sách cũng cho chúng ta những mảnh tư liệu quý để đánh giá về tư duy, tư tưởng cùng cách ứng xử của Phan Huy Chú, một người không mấy phù hợp với bộ máy hành chính quan liêu.
Bình luận (0)