Chiến sĩ Mai Dương Huy (20 tuổi, quê Thanh Hóa) nở nụ cười lấp lóa dưới cái nắng chói chang của đảo Song Tử Tây khi Huy thấy dì mình bước lên bến đảo. Biển yên bình trong ngày đoàn tụ.

Chị Nguyễn Thị Hiếu là dì họ hàng xa của Huy, từng dạy Huy thời trung học và rất thân thiết với gia đình Huy. Dịp đi thăm theo đoàn công tác số 9 - TP.HCM lần này, do ba Huy bận cộng tác, mẹ Huy mới trải qua ca mổ nên gia đình nhờ dì Hiếu ra thăm và động viên Huy làm nhiệm vụ.

Khi tới đảo, hai dì cháu đi dạo khắp nơi. Huy cũng chỉ cho dì thấy những cây phong ba sau cơn bão Rai năm ngoái bị tàn phá, nay đã nở những tán lá xanh rì.

“Tôi coi chỗ cháu ngủ, uống nước nó uống. Tôi thấy cháu tươi roi rói, to cao hơn nhiều. Tôi cũng thấy căn phòng cháu ở cực kỳ ngăn nắp. Xưa cháu ham chơi, bạ đâu nói đó, ảnh hưởng bởi internet và mạng xã hội nhiều. Lúc đấy, gia đình cứ mong làm cách nào để con kiên định, tự lập nhiều hơn trong cuộc sống. Giờ thấy cách ăn nói của cháu cứng cáp hơn, phân tích vấn đề hợp lý, nói rõ chuyện đúng, chuyện sai. Tôi thấy mừng và tự hào về cháu lắm”, chị Hiếu hài lòng.

Nghe Huy kể, thời gian thực hiện nhiệm vụ ở đảo sẽ là phần đời đáng nhớ của chiến sĩ trẻ. Mỗi ngày, Huy chăm sóc cây, rèn luyện, huấn luyện, chuẩn bị bữa ăn, chơi thể thao, xem thời sự… Đời sống vật chất, tinh thần đủ đầy, chỉ tiếc là thiếu… mỗi mẹ. “Nhưng anh em yêu thương, đùm bọc nhau lắm”, Huy nhấn mạnh.

Hỏi Huy hiện giờ có còn trăn trở gì không, Huy bảo: “Em muốn những đứa em em học được hiệu quả tốt nhất. Em cũng mong mẹ sẽ mau khỏe lại”.

Riêng chị Hiếu vốn là giảng viên lịch sử, thế nên, tham gia chuyến thăm lần này, ngoài thăm cháu mình, cá nhân chị cũng có những cảm xúc rất riêng biệt.

Chị Hiếu nói mình đã đọc thông tin về Trường Sa, Biển Đông, cũng thường tuyên truyền vấn đề về biển đảo với học sinh. Nhưng nay chị mới cảm nhận được hết thực tế. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các chiến sĩ luôn đương đầu, luôn vượt lên tất cả để giữ vững chủ quyền cho dân tộc.

Chị Hiếu tâm niệm, làm sao từ chuyến đi, chị có thể truyền tải sự tự hào dân tộc, sự chung sống hài hòa của người Việt Nam mình đến học sinh. Chị cũng muốn làm sao đó để các em hiểu được lòng yêu nước, tư cách đạo đức, xây dựng đất nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng...

Khi nhận được lời mời của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM ra thăm con mình - Võ Bạch Toàn Thắng - đang thực hiện nhiệm vụ ở đảo lần này, anh Võ Bạch Tùng thấy bất ngờ, vinh hạnh và ngóng trông.

Một năm con đi, thỉnh thoảng có điện về nhà, nghe giọng con từ phía bên kia hải đảo, anh Tùng cảm nhận cháu mạnh khỏe, và trưởng thành nhiều so với hồi còn sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ.

Thắng là một trong ba người con của anh Tùng. Thắng tình nguyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa với lý do: muốn học hỏi và muốn bảo vệ biển đảo của Tổ quốc mình.

Sáng hôm tàu cập bến đảo Trường Sa lớn, anh Tùng ăn cơm vội rồi ra đứng thắc thỏm chờ đợi được hướng dẫn lên đảo. Gặp con rồi, hai cha con cứ đi sát nhau. Anh Tùng tự hào về con lắm: “Tôi vui mừng, sung sướng và xúc động lắm. Lâu lắm rồi không được gặp con, kể từ lúc cháu đi cho đến giờ. Tôi dặn con phải cố gắng học tập, rèn luyện, tuân theo chỉ đạo của cấp trên; được giao nhiệm vụ đến đâu cũng phải làm tốt tới đó”.

Còn Thắng cười tít mắt, hô to trước máy ghi hình của phóng viên: “Mẹ ơi! Con gặp được ba rồi, chị ơi em gặp được ba rồi! Con cảm thấy rất may mắn!”.

Thắng chia sẻ việc mình đăng ký tự nguyện ra Trường Sa công tác và muốn cống hiến hết mình vì nhiệm vụ. “Bản thân em cũng thấy thay đổi, được huấn luyện và học tập nhiều. Khó khăn nào cũng sẽ vượt qua được vì anh em ở đảo sống yêu thương và giúp đỡ nhau nhiều”, Thắng nói.

Cũng như Thắng, chiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn cũng không giấu được sự xúc động khi gặp lại cha mình. Lúc bình tĩnh, Nam nói mình rất hãnh diện vì đi Trường Sa. “Sau này khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về nhà, em sẽ không làm mẹ khóc nữa. Em sẽ chăm sóc cả ba và mẹ, sẽ không giống như trước nữa”, Nam nói.

“Chuyện qua rồi!”, anh Nhiều vỗ vai con, động viên: “Người đàn ông có thể khóc, có thể nói lên cảm xúc của mình không phải là người yếu mềm. Trước khi đi nghĩa vụ, Nam không giỏi thể hiện cảm xúc của mình nhưng giờ thì con biết nói lời yêu thương nhiều hơn, biết nhắn ba lấy tiền của con để lo cho gia đình, biết nghĩ đến công việc cho tương lai. Điều đó thôi là tôi tự hào và hãnh diện lắm rồi”.

Thế nên, dẫu sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nam có chọn xin ở lại quân ngũ hay làm một công việc khác, anh Nhiều vẫn tin con đã đủ bản lĩnh để trở thành một công dân tốt, một đứa con biết lo lắng, trách nhiệm với gia đình và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Báo Thanh Niên
14.06.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.